Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Các bài viết riêng’ Category

Suýt chết trên đỉnh Phú Sĩ


Tôi không phải người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Phú Sĩ và chắc cũng không phải nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài về biểu tượng tuyệt đẹp này của đất nước Mặt trời mọc. Bài viết của tôi giới thiệu về ngọn núi cao 3.776m hình thành cách đây 100.000 năm cũng không có gì đặc biệt, nhưng đổi lại nó là một chuyến hành trình mà đến giờ kể lại tôi vẫn thấy… ngượng.
 
Sự kiện này xảy ra cách đây đến 10 năm, khi tôi đang làm việc cho Đài Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK). Thính giả của đài đương nhiên đã biết đến Fuji-san (tên thường gọi trong tiếng Nhật của núi Phú Sĩ) qua những bài giới thiệu ngắn gọn mà tôi không thấy hài lòng. “Mình phải có mặt ở đó thì kể cho mọi người mới thuyết phục,” tôi nghĩ thế. Và cái ý tưởng đó dễ dàng được lãnh đạo chấp thuận. Một cuộc tranh luận ngắn gọn với ông đạo diễn về cấu trúc của bài đã mang lại “phần thắng” về tôi – lối giới thiệu từ xa đến gần mà ông thích rốt cục phải nhường chỗ cho cách trình bày đan xen của “chuyên gia”. 
  
Kết hợp với ban tiếng Thái Lan ngay bên cạnh, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết. Thành phần gồm tôi (chuyên gia ban tiếng Việt), anh chuyên gia ban tiếng Thái hiền lành và to cao cùng hai nữ đồng nghiệp trong đó có cô người Nhật với cái giọng rất thánh thót. Một đội hình cực kỳ… lãng mạn nhưng xin cam đoan là thuần túy vì mục đích công việc. Được thông báo chi tiết về vấn đề thời tiết (người Nhật vốn cẩn thận) nhưng hành trang của tôi khá gọn gàng vì nghĩ sức mình không thể vác nặng. Trưa hôm sau gặp nhau ở ga tàu điện tại Tokyo, cô bạn Nhật vẻ mặt rất nghiêm trọng đưa cho xem vài món đồ dành riêng cho việc leo núi, trong đó có cả những cái chai ôxy (giống như là bình gas du lịch vậy, nhưng có phần để chụp vào mặt). Tôi cười bảo mình không cần, và chắc rằng anh bạn cao đến 1m85 có khi còn phải hô hấp nhân tạo cho người khác.

Núi Phú Sĩ

Nằm gần bờ Thái Bình Dương của đảo chính Honshu trên đường ranh giới giữa hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi, phía Tây Tokyo, núi Phú Sĩ có thể được nhìn rõ từ thủ đô vào những hôm trời quang. Mỗi năm có khoảng 200.000 người leo núi Phú Sĩ, trong đó khoảng 30% là người nước ngoài, và thời gian phù hợp nhất để lên tới đỉnh ngọn núi này là từ 1/7 đến 27/8. Người ta chia thành 10 trạm từ chân lên đỉnh núi nhưng đường lên tới trạm thứ 5, tức là đã cao tới 2.300m so với mặt biển, được lát đá đàng hoàng. Kiểu truyền thống nhất (hiện rất ít người thực hiện) là mặc đồ trắng và leo một mạch từ chân núi vào buổi đêm để có thể lên tới đỉnh núi đúng lúc mặt trời mọc, nhưng chúng tôi “chơi” kiểu an toàn như hầu hết các du khách: Xuất phát vào buổi chiều ở trạm thứ 3 vì… ôtô có thể lên tận nơi), tới trạm thứ 9 thì nghỉ đêm và sáng sớm leo nốt đoạn còn lại.
  
Kết thúc bữa trưa muộn, cả nhóm còn loanh quanh khá lâu tại các cửa hàng nhỏ để mua vài thứ đồ lặt vặt. Mỗi người tự sắm cho mình một chiếc gậy trèo núi bằng gỗ tiện – thực ra lúc đó tôi thấy cũng chẳng cần thiết nhưng vẫn cố mang vì cái thủ tục là cứ đến mỗi trạm cần phải đóng một cái dấu lên đó để chứng thực sự hiện diện của mình. 
  
Mọi chuyện hoàn toàn suôn sẻ cho đến khi chúng tôi leo đến trạm thứ 5. Đường dốc thoai thoải, leo cũng chẳng thấy mệt, cứ từng đoàn nối nhau mà tiến bước, nói cười rộn ràng. Tôi lại là loại lắm lời, “đài cứ phát liên tục,” kể đủ loại chuyện chọc cười cả nhóm. Càng leo càng vã mồ hôi, và bất chấp lời khuyên của các bạn, tôi nhất quyết chỉ mặc một chiếc áo pull cho thoải mái. Từ lưng chừng núi nhìn ra xa thấy một cảnh tượng bao la đẹp không gì kể xiết, có thể nhìn thấy những cả những cái hồ xanh ngắt lấp ló giữa cả cánh rừng bạt ngàn. Thỏa chí tang bồng! Cảm xúc tuôn ra dào dạt, tôi nghĩ nếu lúc đó mà viết bài ngay thì khúc dạo đầu thôi cũng tha hồ mà lai láng. Thậm chí tôi chợt có ý tưởng đứng luôn đó mà làm một chương trình phát thanh trực tiếp thì mới gọi là “hết ý.”
 
Nhưng leo lên cao, nhiệt độ thay đổi nhanh, vừa mới nóng là thế, rồi chuyển sang mát và cuối cùng là… lạnh. Mới qua trạm thứ 5 một lúc thì đầu óc tôi đã bắt đầu váng vất. Cố không thể hiện ra ngoài nhưng chắc nhìn qua thì rõ ràng là tôi “có vấn đề” nên một đồng nghiệp nữ cứ theo sát để… phòng xa, trong khi cô kia cũng đang phải kè kè anh bạn Thái Lan mà tôi không để ý rằng đã bị tụt lại khá xa. Anh này thì không cảm không lạnh gì cả, nhưng đang phải vất vả kéo cái thân xác quá khổ (ít nhất cũng 80kg) lên dốc. Đã thế, những đoạn thoai thoải lại không còn, đôi chỗ phải trèo khá là khó khăn. Tốc độ leo bắt đầu chậm dần, trời lại bắt đầu tối, vừa đi còn phải vừa soi đường. Thời gian nghỉ ở trạm thứ 6 khá lâu chúng tôi mới có thể nối lại hành trình.
  
Lên đến trạm thứ 7 thì tôi thấy mình không thể chịu nổi nữa. Ý nghĩ ngay tức thời của tôi lúc đó là… quay xuống. Người mệt rã rời, chỉ muốn nhắm mắt làm luôn một giấc mãi mãi không cần dậy, nghĩ đến chuyện bò xuống cũng thấy là cả một thử thách. Tình hình tiếp tục trở nên trầm trọng hơn khi tôi bắt đầu chuyển từ tư thế ngồi sang… nằm sóng sượt, lên cơn sốt “xình xịch.” Các đồng nghiệp thậm chí bàn đến chuyện gọi đội cấp cứu lên cáng xuống. Nhưng muốn vậy cũng phải chờ ít nhất 2-3 tiếng. Thuốc thang thì không có, ngoài chai dầu gió nhỏ mang ra bôi đại vào đầu, vào cổ. Tôi chặc lưỡi: “Nghỉ một tí nữa xem sao.” Cũng không nhớ cái gọi là “một tí” kéo dài bao lâu nhưng rồi tôi vẫn gượng dậy được. “Bây giờ mà xuống thì còn khổ hơn leo lên, đi thôi,” tôi cố cười và tỏ ra mạnh mẽ.
  
Chặng đường từ trạm 7 lên trạm 8 sao mà dài thế. Cô bạn kiên nhẫn đi bên cạnh, chăm sóc kỹ càng, động viên liên tục. Tốc bộ thì quá rùa bò, ấy vậy mà hai chúng tôi vẫn bỏ xa “đôi” kia, thỉnh thoảng cứ phải đứng lại chờ. Anh bạn Thái Lan lúc này mặt mũi chắc phải tái nhợt, cứ một đoạn là cô đồng nghiệp Nhật Bản (may là cũng khá to cao) úp cái bình ôxy vào mặt cho thở. Sau một cốc mì ăn liền ở trạm thứ 8, tôi vã mồ hôi và có vẻ hồi phục chút ít. Nhưng rồi sự hăm hở nhờ cốc mì nóng nhanh chóng chấm dứt và tôi lại trở lại cái trạng thái ì ạch, tuy là đỡ tệ hơn lúc mới bị cảm. 
  
Đặt chân tới nhà trọ ở trạm thứ 9 thì đã phải 10 giờ đêm. Tính ra thời gian chúng tôi đi từ trạm 3 đến đó thì các đoàn khác không những đã kịp từ chân núi lên tới đỉnh (thông thường đi một mạch chỉ mất khoảng 7 tiếng là tối đa), mà có khi còn… xuống được vài trạm. Vừa cởi balô ra khỏi vai ở nhà trọ thì tôi chực nôn, vội chạy ra sau nhà. Nhưng trong hoàn cảnh đầu óc quay cuồng như thế, gần như mê đi như thế, cứ lao đầu vào để chuẩn bị cho cả gan ruột tự do lộn ra như thế, các giác quan của tôi vẫn cảm nhận được cái mùi xú uế kinh khủng của cái nhà vệ sinh ở trên cao mấy ngàn mét, thiếu thốn nguồn nước. Tịt luôn! Tôi quay trở lại bàn ăn, mang theo cả cái sự nôn nao mà vì quá sợ đã không thể giải quyết.
 
Một bát súp miso (canh đậu tương) nóng rẫy đã kịp thời đưa tôi trở lại trạng thái cân bằng. Bốn người ngồi quanh một cái bàn nhỏ, thưởng thức một bữa tối cũng khá đầy đủ như là ở một nhà hàng dưới mặt đất. Tuy ốm nhưng tôi ăn ngon miệng, vào đến đâu là tỉnh ra đến đó. Tôi cảm thấy thoải mái hơn, thậm chí ngồi trò chuyện với nhau đến tận hơn 12h đêm mới đi ngủ. Chỗ vừa ngồi ăn được dẹp bàn đi, và cứ thế trải đệm ra mà nằm, các nhóm cứ nằm sát nhau, chẳng cần phân biệt trai gái gì cả.
  
3 giờ sáng, chủ nhà trọ đã đánh thức mọi người dậy để không bị lỡ mất cơ hội ngắm mặt trời lên – giây phút quan trọng nhất của cả hành trình. Tất cả nhào dậy khoác áo thật ấm để lên đường vì giữa mùa hè nhưng nhiệt độ trên đỉnh núi vào lúc đó rất lạnh, chỉ khoảng vài độ C. Trời tối đen như mực, các đoàn lại nối đuôi nhau, những ánh đèn pin lấp loáng. Tôi tuyệt nhiên không thấy mệt, cứ thế leo thẳng lên tới đỉnh, và cùng cả vài ngàn người ồ lên khi quả cầu đỏ từ từ hiện ra. Nhưng sau khoảng 15 phút ngắm mặt trời, sau khi chúng tôi rời mỏm đá và ngồi xuống một cái phản vuông giữa trời để nghỉ thì tôi từ từ nằm xuống và cứ thế thiếp đi mê mệt, hoàn toàn không nhận ra lúc mặt trời lên cao và chói chang vào giữa mặt. Có một lúc tôi đã tỉnh lại, phản xạ vớ lấy lọ dầu để bôi khắp những chỗ nào cho là cần thiết và… mê man tiếp.
  
Có một tục lệ thú vị dành cho những người lên tới đỉnh Phú Sĩ là đi vòng qua bên kia miệng núi – vốn là miệng núi lửa không còn hoạt đông – để bỏ một lá thư hoặc bưu thiếp có đóng dấu bưu điện trên đỉnh ngọn núi này. Thời gian để đi làm cái việc có ý nghĩa này mất khoảng 2 giờ. Để lại một cô bạn trông tôi, cô bạn kia cùng anh chuyên gia Thái Lan lặn lội đi gửi bưu thiếp, quay về ngồi chờ chán chê tôi mới tỉnh dậy. Mặt đỏ tưng bừng vì nắng, tôi làm một hơi hết lon nước lạnh và quyết định… đi về. Nhìn chu vi miệng núi lửa quá lớn, tôi nghĩ mình không đủ sức.
  
Đoạn đi xuống thì nhanh và dễ dàng hơn nhiều, nhưng với sức khỏe không được tốt lắm thì kể cả những việc đơn giản cũng trở nên khó khăn. Đường đi theo kiểu zíc zắc, sườn núi thì phẳng và trơ trụi, cảm giác cứ như đi giữa dốc ở sa mạc. Nhìn xa xa thấy có hình người bé tị, coi đó là cái mốc để hướng tới cho đỡ ngại, thế mà đi mãi vẫn thấy những cái chấm là những cái chấm, chẳng to hơn tẹo nào. “Hành trình trên sa mạc” kéo dài chừng 4-5 tiếng, chân đau và mỏi nhừ, mặt mũi ai cũng phờ phạc. Hình như tôi là người tỏ rõ sự “kém tắm” đầu tiên khi gợi ý thuê ngựa thồ. Tất nhiên là để thực hiện được cái ý tưởng này thì chúng tôi còn phải đi bộ thêm chừng 1 tiếng nữa mới tới cái trạm có ngựa. Hai “đực rựa” chung một con, hai thiếu nữ cưỡi một con – có người dắt. Thở phào! 
  
Thế nhưng vừa đi được chừng 5 phút thì chúng tôi thấy rằng leo lên ngựa là một sai lầm. Vì đi xuống dốc nên người ngồi trên cứ bị ngửa ra sau, tư thế không thoải mái chút nào, mà không cẩn thận là ngã ngay. Rồi khi ra đến đoạn đường bằng, tôi vẫn không thoải mái vì cứ có cảm giác những người đi ngược lại (lên núi) nhìn mình coi thường, kiểu “Ô, hai cái anh thanh niên thế kia mà phải cưỡi ngựa!” Thực sự là thấy xấu hổ.
  
Ngồi trên xe buýt tốc hành về Tokyo, tôi điểm lại cuộc hành trình suốt từ ngày hôm trước. Về tới nhà, sau bữa tối thật nhanh, tôi ngồi ngay vào máy tính để hoàn thiện bài viết cho một chương trình phát thanh 10 phút. Tôi còn kể lại chuyến đi của mình trong một chương trình giao lưu 20 phút với thính giả vào cuối tuần và nhận được nhiều lá thư hỏi han thêm thông tin sau đó. Tất nhiên, tôi chẳng hề đề cập đến vụ sống dở chết dở vì cảm giữa lưng chừng núi, tôi chỉ khoe cây gậy có đóng đủ dấu của từng trạm, cho đến tận trạm thứ 10./.

Read Full Post »

Maiko đứt guốc


Gặp Maiko ở cố đô Kyoto không phải là chuyện đơn giản, và gặp đúng lúc họ bị sự cố nào đó thì càng là chuyện rất hiếm. Tuy nhiên, ngày hôm nay tôi đã gặp ba cô Maiko đang tung tăng trên đường lên chùa và loay hoay chụp ảnh với nhau thì bị vấp trước một cửa hiệu. Kết quả là một cô bị đứt quai guốc!

Vấn đề là đôi guốc quá cao, không thể nào tạm thời lết (bằng cách quặp chặt vào cái quai đứt), lại càng không thể… đi chân đất (có tất). Cuối cùng, hai cô ngồi lại trước cửa hàng để chờ, cô thứ ba đi tìm cách giải quyết.

Maiko đứt guốc

Maiko đứt guốc

Ghi chú: Thực ra đây là các cô gái Nhật đóng giả Maiko mà thôi. Các cô thuê kimono, vẽ mặt, và đi lại… như thật.

Read Full Post »


Ăn món Việt Nam đang là cái mốt ở Nhật Bản? Một số người Nhật đã phát biểu như vậy. Có lẽ họ hơi đề cao quá nhưng cũng không xa sự thật là bao nếu bạn thấy những hàng người rồng rắn chờ trước cửa các nhà hàng Việt Nam tại Tokyo. Song điều quan trọng hơn, từ món ăn của người Việt, người Nhật dần dần biết nhiều đến Việt Nam hơn…

Một trong những đặc điểm của lối sống Nhật là việc đi ăn hiệu, và có lẽ đó là lý do khiến Nhật Bản có rất nhiều nhà hàng. Theo con số thống kê, hiện nay tại Nhật có khoảng hơn 1 triệu nhà hàng, tức là cứ khoảng 120 người dân thì có một hiệu ăn. Ở Nhật Bản, mở một nhà hàng không nhất thiết phải chọn nhà mặt phố hoặc các đường lớn mà vẫn có nhiều khách. Có thể thấy trước cửa nhiều hàng ăn dưới tầng hầm hoặc trên tầng 3, tầng 4 ở một số khu vực trung tâm, khách hàng xếp hàng đông nghịt. Tại các cửa hàng nổi tiếng, khách chấp nhận chờ cả tiếng đồng hồ và xếp hàng dài ra tận ngoài phố.

Trong số cả triệu nhà hàng đó tại Nhật Bản, có rất nhiều nhà hàng của người nước ngoài. Các món ăn Pháp, Italia, Mêhicô, Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên đã trở thành những món ăn quen thuộc từ lâu đối với người Nhật. Gần đây, các món ăn châu Á, nhất là những nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia , v.v đang dần dần được biết tới và được nhiều người ưa chuộng.

Các nhà hàng Việt Nam xuất hiện tại Nhật Bản đã nhiều năm và cũng có tiếng tăm nhất định. Nhắc tới nhà hàng Việt Nam ở Nhật, những người sành ăn hiệu và thích tìm tòi có thể kể tên những quán như “Mỹ Dung”, “Áo Dài”, “Hương Việt”, “Miss Saigon” ở Tokyo, hay “Lâm Hà Nội” và “Mekong” ở Kobe – những nơi quy tụ cộng đồng Việt kiều khá đông đảo.

Tokyo, nơi tập trung nhiều người Việt nhất trong cả nước Nhật, đương nhiên là nơi có nhiều nhà hàng Việt Nam. Ngay gần ga tàu điện Shibuya – một trong những trung tâm của thủ đô – có một nhà hàng tên là “Hoa giấy”. Sự chật chội và bài trí khá đơn giản của nhà hàng không làm nản chí những vị khách phải xếp hàng dài xuống tận đường. Chỉ cách đó vài nhà vừa xuất hiện hiệu “Miss Saigon”, tuy không lớn như một cửa hiệu cùng tên ở Kichijoji song cũng thu hút khá nhiều khách, có lẽ một phần vì ở trung tâm. Chúng tôi đã hỏi nhiều khách hàng và nhiều người nói món ăn Việt Nam hấp dẫn vì khi ăn phải cuốn hay gói. Món ăn Việt Nam dùng nhiều rau nên họ cho rằng tốt cho sức khỏe. Anh Itai Norio, một chuyên gia về món ăn, đã từng sang Việt Nam nhiều lần và tại Việt Nam cũng như ở Nhật, anh đã thử rất nhiều món ăn Việt Nam. Theo anh, ăn đồ Việt Nam đang là một trong những cái mốt ở Nhật hiện nay.

Tại Kobe, nơi cộng đồng Việt kiều có khoảng 750 người, nhiều thứ 2 sau Tokyo, có 2 nhà hàng Việt Nam là “Mekong” và “Lâm Hà Nội”. Ông Chuang Tiến Thành, chủ cửa hàng Lâm Hà Nội, sinh sống tại Nhật đã gần 20 năm. Cha ông là người Đài Loan, sang Nhật học rồi làm việc cho chính phủ Nhật một thời gian tại Việt Nam. Sau đó, cha ông tham gia cách mạng Việt Nam và lập gia đình với một phụ nữ bản địa tại Vĩnh Phú. Vào cuối thập niên 70, gia đình ông Chuang cùng 7 anh chị em sang Nhật sinh sống. Ban đầu, ông kinh doanh xe máy cũ, chuyên bán cho công nhân Việt Nam đi lao động Irắc hoặc thủy thủ tàu viễn dương, và thậm chí làm ăn lớn với một số công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội và Hải Phòng. Song công việc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái: nhiều Việt kiều và cả người Nhật bắt đầu nhảy vào thị trường có lãi này, rồi nhờ chính sách mở cửa của chính phủ Việt Nam, một số công ty Việt Nam cũng vươn sang tận Nhật Bản, khiến cạnh tranh trở nên gay gắt. Khi đó không thể xin xe máy cũ hoặc mua với giá vô cùng rẻ như trước nữa và đương nhiên là lợi nhuận cũng giảm đi.

Rồi vụ động đất Hanshin khủng khiếp xảy ra vào tháng Giêng năm 1995. Trong số khoảng 6.400 người thiệt mạng không có người Việt Nam nào nhưng hầu như các thành viên cộng đồng người Việt ở Kobe đều bị mất nhà cửa. Họ phải sống trong những khu nhà tạm hoặc tụ tập ở một công viên. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến việc mở nhà hàng “Lâm Hà Nội” rất đơn giản. Ông chủ Chuang Tiến Thành, 48 tuổi, cho biết nhờ có điều kiện nhà cửa rộng rãi nên có thể làm nghề nấu ăn. Sau động đất, một số bà con tại Kobe tập trung sống tại những khu nhà tạm ở vườn hoa quận Nagata, họ không ăn được đồ Nhật nên gia đình ông nấu món ăn Việt Nam để phục vụ họ. Tháng 8/95, ông chính thức treo bảng để đón khách Nhật và hiện tại, số lượng khách Việt Nam tới nhà hàng chiếm khoảng 20%, còn khách Nhật khoảng 80%.

Tuy không nằm ở khu phố chính của thành phố nhưng nhà hàng này khá đông khách. Vào những ngày cuối tuần, hai vợ chồng ông Tiến Thành phải huy động tất cả 3 người con trai cùng một số anh chị em trong gia đình đến phụ giúp. Từ một dịch vụ chủ yếu phục vụ bà con người Việt trong thời gian khó khăn sau vụ động đất, “Lâm Hà Nội” đã trở thành một nhà hàng hấp dẫn với nhiều người, thậm chí cả những người ở xa đến cả trăm cây số. Ngoài mục đích kinh doanh, ông Chuang Tiến Thành còn mong đạt được một điều khác từ nhà hàng của mình: bên cạnh việc thu lợi nhuận và nuôi sống gia đình, ông muốn làm cho người Nhật biết Việt Nam là như thế nào. Ông nói: “Nhiều người chưa đến Việt Nam hỏi tôi người Việt ăn bằng đũa hay bằng tay, đồ ăn như thế nào. Tôi muốn mở cửa hàng để nói cho người Nhật biết rằng, người Việt Nam bị Trung Quốc, Pháp rồi Mỹ đô hộ nhưng đồ ăn của chúng tôi không kém gì đồ của Trung Quốc và Pháp. Tôi muốn làm nghề này để giới thiệu cho những người bạn Nhật đã tới hoặc chưa tới VN biết được người Việt Nam ăn uống và sinh hoạt ra sao.”

Cũng với lý do như ông Tiến Thành – vừa kinh doanh, vừa giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho người bản địa – ông Đặng Đức Thịnh đã mở quán cơm mang tên ông cách đây 11 năm tại Fukuoka, một thành phố thuộc vùng Kyushu miền nam Nhật Bản. Sự tồn tại của “Quán cơm Đặng” và một nhà hàng Việt Nam khác tại Fukuoka quả khiến chúng tôi hết sức bất ngờ vì số người Việt ở đây có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả con cái của ông Thịnh cũng đi học, đi làm ở các nơi khác và chỉ có hai vợ chồng ông xoay xỏa với quán hàng nhỏ bé của mình. Quán chỉ có 4 bàn ăn với khoảng dưới 20 chỗ ngồi nhưng đứng vững suốt một thời gian dài, chứng tỏ vẫn thu hút được số lượng ổn định khách bản địa. Theo ông Thịnh, việc Nhật Bản ngày càng quan tâm đến Việt Nam cũng góp phần không nhỏ vào việc kinh doanh của gia đình ông. Ông cho biết, ở Kuyshu này ít quán VN, nên trước khi người Nhật tại vùng này đi du lịch, muốn biết tin tức về Việt Nam thì thường đến quán ông hỏi thăm và ăn thử món ăn.

Kinh doanh đương nhiên phải đi cùng với lợi nhuận và người ta cho rằng làm nhà hàng ở Nhật Bản là cách kinh doanh tương đối ổn định. Lợi nhuận là lý do khiến nhiều người chuyển sang mở nhà hàng. Và thật bất ngờ là trong số những người kinh doanh đồ ăn Việt Nam có cả người Nhật. Có những cửa hàng chỉ có vài món ăn Việt Nam xen lẫn thực đơn món ăn Nhật, song có nhà hàng phục vụ toàn món ăn Việt Nam với cái tên hiệu cũng là tên Việt Nam.

Tại Tokyo có 3 nhà hàng lớn đều mang tên “Mỹ Dung” hết sức thơ mộng. Anh Sasaki Masato – chủ nhân một trong 3 nhà hàng nói trên tại khu vực Shinjukugyoen – mới 33 tuổi, song đã làm việc tại nhà hàng này 10 năm. Từ một nhân viên bình thường, nay anh đã trở thành chủ của hàng. Điều ngạc nhiên hơn là anh đồng thời còn đứng bếp nấu các món ăn Việt Nam và hiện tại vẫn tiếp tục công việc này. Anh Sasaki đã sang Việt Nam 2 lần và dự đinh của anh là từ nay, mỗi năm sang Việt Nam ít nhất 1 lần để nghiên cứu các món ăn mới và đưa vào thực đơn của nhà hàng, đồng thời để mua các thực phẩm của Việt Nam.

Hoạt động của các nhà hàng Việt Nam chưa thật sôi nổi, về quy mô chỉ có vài nhà hàng sánh ngang được với những quán ăn châu Á lâu đời của Thái Lan, Ấn Độ, Malaixia… nhưng dần dần được nhiều người biết đến. Đôi khi đi trên đường nghe loáng thoáng thấy người ta rủ nhau đến quán Việt Nam. Vào những ngày cuối tuần, một số nhà hàng Việt Nam đông tới mức không nhận đặt bàn trước. Thấy việc kinh doanh phát đạt, nhiều nhà hàng nhanh chóng mở rộng hoặc nâng cấp. Chẳng hạn tới nay quán Mỹ Dung có đến 3 địa điểm và anh Sasaki còn có tham vọng đạt được mục tiêu làm cho “Mỹ Dung” trở thành quán ăn Việt Nam số 1 tại Nhật Bản.

Nói tới món ăn, đương nhiên phải đặt tiêu chuẩn “ngon” lên hàng đầu. Một số chủ nhà hàng như ông Đức Thinh ở Fukuoka và ông Tiến Thành ở Kobe khẳng định “ngon” nghĩa là giữ đúng hương vị món ăn Việt Nam, dù không thể đạt đúng hoàn toàn vì khó kiếm thực phẩm và gia vị ở Nhật. Nhưng trong khi đó, theo quan điểm của một số nhà hàng khác, khi nấu các món ăn dân tộc ở hải ngoại, tiêu chuẩn “ngon” đó phải áp dụng với khẩu vị của người bản xứ. Thành thực mà nói, lần đầu đến một số quán ăn Việt Nam tại Nhật Bản, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy vị các món ăn hơi khác so với quê nhà. Sau nhiều lần bất ngờ, chúng tôi được một chủ quán giảng giải rằng “sự thành công hay lụn bại của một nhà hàng tùy thuộc vào khả năng làm cho món truyền thống của dân tộc mình phù hợp với người bản xứ”.

Mỗi nhà hàng một hướng đi riêng và cho tới nay, dù theo hướng nào trong cách tạo hương vị cho món ăn Việt Nam, có thể nói các nhà hàng này đều tương đối thành đạt. Tuy nhiên, nếu trong tương lai một số nhà hàng vẫn áp dụng cách thay đổi gia vị để đáp ứng khẩu vị của khách hàng bản địa thì khó lòng đứng vững. Hiện tại có một số khách sành ăn đã nói rằng, đa phần món ăn Việt Nam chỉ là cái tên gọi, còn nội dung không tái hiện trung thực được. Ngày càng nhiều người Nhật tới Việt Nam và đã biết được món ăn Việt Nam thực sự là thế nào. Thiết nghĩ, điều khách hàng mong mỏi sẽ là những món ăn giúp họ nhớ lại kỷ niệm tại Việt Nam, hơn là sự thưởng thức hơi dễ dãi mang tính chất khám phá tìm tòi như hiện nay.

Tháng 3 vừa qua, tại một khách sạn lớn ở Tokyo đã diễn ra hội chợ món ăn Việt Nam kéo dài tới hơn 3 tuần. Ban tổ chức – hợp tác với Sứ quán Việt Nam, Hãng hàng không Việt Nam và khách sạn New World Saigon – đã mời 3 đầu bếp tài năng từ Việt Nam sang thể hiện tài năng qua nhiều món ăn đa dạng. Cùng với nhiều thông tin về kinh tế, chính trị Việt Nam được giới truyền thông và xuất bản ở Nhật đăng tải khá nhiều trong thời gian gần đây, văn hóa Việt Nam nói chung và món ăn Việt Nam nói riêng đang dần dần đến với người dân xứ Hoa Anh Đào qua nhiều hình thức./.

Read Full Post »


Những cuộc hôn nhân với phụ nữ nước ngoài – đặc biệt giữa các cô gái châu Á và những người đàn ông nông thôn nhiều tuổi – đang tăng lên tại Nhật Bản. Xu hướng kể trên khiến người ta phải có cái nhìn mới đối với các đạo luật và thái độ lâu nay ở Xứ Anh Đào về vấn đề này…

Nông thôn Nhật Bản lâu nay vốn bài ngoại nhưng hiện đang vật lộn trong cơn sốt thách thức những truyền thống bao đời. Tại nhiều vùng rừng núi ở Nhật, thứ “hàng hóa” được lùng tìm nhiều nhất hiện nay là một cô dâu người nước ngoài.

“Khi tôi 35 tuổi, tôi bắt đầu cố gắng lập gia đình. Tôi cố gắng 10 năm trời nhưng không thể kiếm được vợ”, ông Igarashi Eibi, một chủ cửa hàng cho biết như vậy. Gìờ đây, ở tuổi 51, ông vấp phải thực tế phũ phàng: không một người phụ nữ Nhật Bản hiện đại nào muốn sống cùng ông và bà mẹ ông tại cái vùng Tadami hẻo lánh và cổ lỗ, dân số chỉ có chưa đầy 6000 người mà vẫn trên đà giảm sút. “Tôi tự nhủ rằng nếu không lấy được một cô vợ từ Thái Lan thì tôi sẽ sống một mình nốt quãng đời còn lại”. Với suy nghĩ ấy, ông Igarashi sang Thái Lan và kiếm được tới 2 cô dâu Thái. Ông bỏ ra tới 23.000 đôla để cưới cô đầu tiên nhưng rồi cô này không chịu sang Nhật Bản, thậm chí sau khi ông đã tặng gia đình cô đủ thứ quà cáp, khiến ông bị mất mặt với làng xóm và đâm ra buồn chán một thời gian. Quyết tâm “thử vận mệnh” lần cuối, ông sang Thái Lan lần thứ hai và chọn được cô Mui 20 tuổi trong số 30 cô mà công ty môi giới hôn nhân giới thiệu.

Sáu năm sau, cô Mui không còn phàn nàn về cái lạnh ở Tadami nữa. Cô học nấu món ăn Nhật Bản đủ để làm hài lòng bà mẹ chồng sống chung, lấy bằng lái xe và sinh được 2 cô con gái.

Trường hợp gia đình ông Igarashi là một trong những trường hợp thành công ở xứ tuyết Tadami nhỏ bé. Bên cạnh đó, trong 8 cô dâu ngoại kiều tới đây, 2 cô đã li dị còn cuộc hôn nhân của 1 cô khác, theo như lời hàng xóm, thì đang trục trặc. Tại đây, còn khoảng hơn 100 gã trai độc thân “ngoài băm” đang sục sôi ý muốn cưới vợ nhưng tới nay, không mấy người đủ sức đưa về một cô dâu Nhật.

Các cuộc hôn nhân giữa đàn ông Nhật Bản và phụ nữ nước ngoài – điển hình là giữa những cô gái trẻ Philippin, Thái Lan, Trung Quốc nghèo khổ, li dị hoặc góa chồng với những nguời đàn ông Nhật cao tuổi hơn nhiều – bắt đầu tăng mạnh vào cuối thập niên 80. Thời gian 5 năm gần đây đột ngột có nhiều cô dâu từ Trung Hoa lục địa. Các cô Nhật kiều ở Peru và Braxin cũng là đối tượng hấp dẫn đối với những chàng “quá lứa” muốn con mình giống người Nhật

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, trong năm 1995 có gần 245.000 người nước ngoài, kể cả trẻ em, sống tại Nhật theo thị thực cấp cho gia đình trong khi con số này vào năm 1990 là 130.000 người. Theo Bộ Y tế-Phúc lợi, trong năm 1995 có hơn 19.500 đàn ông Nhật lập gia đình với các phụ nữ Triều Tiên, Trung Quốc, Philippin, Thái Lan, Braxin hoặc Pêru. Hơn 1,7% trẻ sinh ra trong năm 95 có bố mẹ là người nước ngoài. Con số này quá nhỏ so với nước Mỹ nhiều người nhập cư song là khá lớn đối với đảo quốc Nhật Bản vì họ từng cấm người nước ngoài nhập cảnh suốt hơn 200 năm, cấm các cuộc hôn nhân với người nước ngoài cho đến năm 1873 và hiện vẫn có tư tưởng đồng nhất về sắc tộc và văn hóa.

Sự gia tăng dần của các cô dâu nước ngoài và những đứa con lai đang buộc Nhật Bản phải xem xét lại các đạo luật cũng như thái độ của mình – không chỉ ở thủ đô Tokyo hoặc các thành phố lớn mà cả những làng quê nơi 30 năm trước, nhiều người dân không hề nhìn thấy người nước ngoài nào, trừ phi trên truyền hình.

Một số nhà phê bình coi các cuộc hôn nhân sắp xếp nói trên là hậu quả của việc nâng cao vị trí của phụ nữ Nhật Bản. Ngày nay, hàng triệu các cô gái xứ Anh Đào thà độc thân suốt đời còn hơn sắm vai trò buồn tẻ của một cô dâu thôn quê. “Người ta muốn lấy vợ chủ yếu là để có thêm lao động. Cho nên không một phụ nữ Nhật Bản nào muốn sắm cái vai như vậy”, đó là ý kiến của bà Kawahara Takiko, người đã chứng kiến khoảng 60 cô dâu nước ngoài, hầu hết là người Trung Quốc, đến cái thị xã nông nghiệp của bà ở tỉnh Yamagata, ”Phụ nữ Nhật Bản có những lựa chọn tốt hơn”.

Nhưng đàn ông Nhật Bản thì không có nhiều khả năng mà chọn lựa, nhất là khi họ là con cả trong các gia đình nông thôn. Họ có bổn phận phải tiếp tục dòng dõi của gia đình và chăm sóc cha mẹ già – và điêu này có nghĩa là tìm một cô vợ để thực thi bổn phận đó của họ.

Một cô dâu không hề nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người khác, tiếng Nhật gọi là o-yome-san, là người phải dậy sớm nhất nhà và đi ngủ muộn nhất. Trong khoảng thời gian kể từ khi ngủ dậy đến khi đi ngủ, cô phải làm việc trong nhà và ngoài đồng, phục vụ bố mẹ chồng cũng như đấng phu quân, nuôi dạy con cái, chăm sóc phần mộ tổ tiên của gia đình chồng. Còn những ý kiến riêng thì… nên giữ cho bản thân mà thôi. Tại những vùng tư tưởng còn bảo thủ, người ta gọi cô là o-yome-san cho tới khi bà mẹ chồng tạ thế. Có những gia đình mà cụ nội vẫn còn sống nên bà nội 60 tuổi vẫn là o-yome-san, và cụ nội vẫn chỉ đạo cả gia đình tuy tuổi đã ngót nghét chín mươi hoặc hơn.

Trong nhiều gia đình nông dân, nhiều bà mẹ không quên thời kỳ làm dâu đầy gian khó nên muốn con gái có một cuộc sống tốt hơn. Khi kiếm vợ cho con trai thì các bà vẫn chọn các o-yome-san nhưng lại muốn con gái lấy một ông chồng làm công ăn lương trên thành phố.

Katsunuwa là một vùng trồng nho chỉ cách Tokyo chừng 80 cây số nhưng 250 chàng độc thân tại đây không tài nào quyến rũ được các cô gái Nhật. Hai năm qua, thị trấn này mời các phụ nữ đơn chiếc đến du lịch, ngắm cảnh lá vàng rơi vào mùa thu với mục đích chính là cho họ làm quen với các chàng Romeo ở đây. Nhưng kiểu xe duyên đó hầu như không hiệu quả.

Do tình hình này, Nhật Bản đang thừa khoảng 2,5 triệu đàn ông độc thân tuổi từ 30 đến 59, trong khi các cô gái Nhật – với bằng cấp đại học, nghề nghiệp tốt hơn và tinh thần thích độc lập – quyết định lập gia đình muộn hoặc là “không thèm mắc vào kìm kẹp”. Trong thời gian 10 năm từ 1985 đến 1995, tỉ lệ phụ nữ chưa lập gia đình trong độ tuổi dưới 30 từ 20% tăng vọt lên 50%, còn tỉ lệ phụ nữ độc thân trên 30 tuổi là 20%.

Xưa kia các cô gái 25 tuổi chưa chồng ở Nhật được gọi là “bánh ga-tô Noel”, có nghĩa là có nguy cơ bị ế sau khi mùa Giáng sinh chấm dứt. Giờ đây, các tạp chí của phụ nữ đều khuyên, các cô không cần vội lấy chồng, thời điểm tốt nhất để lập gia đình là khi các cô gái thực sự muốn điều đó.

Nhưng Mui, cô con gái đầu của một gia đình 6 con nghèo khó ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, đã đồng ý lấy ông Igarashi. “Tôi nghe nói về núi Phú Sĩ, tôi muốn được ngắm hoa đào nở và những thứ khác mà ở Thái Lan không có,” cô nói. Dường như Mui đã tự điều chỉnh phù hợp với vai trò o-yome-san. Ông chồng thì thừa nhận cố gắng rất nhiều để thích nghi với những phong tục hoàn tòan khác của vợ vì sợ cô… bỏ ông mà đi. Nhưng điều quan trọng hơn là mẹ ông Igarashi hài lòng về cô con dâu ngoại quốc.

Trong khi đó, cuộc sống gia đình đối với Luo Ling lại không suôn sẻ lắm. Luo, 25 tuổi, vốn là dân Bắc Kinh. Vị phu quân người Nhật đầu tiên của cô chết vì ung thư phổi sau 3 tháng kể từ khi cưới. Cô bỏ đứa con đang mang trong bụng và chấp nhận lời cầu hôn của một trong 4 người Nhật Bản bắt đầu tán tỉnh cô ngay sau lễ tang. Hiện người ta gọi cô bằng một cái tên Nhật. Hàng ngày cô phải chăm sóc bà mẹ chồng nằm liệt giường và ông bố chồng ốm yếu nhưng cả hai không hài lòng về cô. Chồng cô muốn có con ngay nhưng cô bí mật làm cho không thể mang bầu vì chưa rõ cuộc hôn nhân này có kéo dài hay không. Cô tâm sự “Chẳng hiểu ông xã nhà tôi nghĩ gì. Trở ngại về ngôn ngữ khiến chúng tôi không thể gần nhau”.

Hồi ở Trung Quốc, Nhật Bản trong suy nghĩ của Luo Ling là những tòa nhà chọc trời, là máy Walkman của Sony và tiền yen dư thừa. Nay ông chồng của cô không thuộc loại “thoáng” cho lắm nên mỗi tháng chỉ đưa cho cô khoảng 100 đôla tiêu vặt. Để kiếm thêm tiền, cô bắt đầu nhận lắp đồ điện tử tại nhà. “Tôi đã chọn cuộc sống này nên tôi phải cố gắng thu xếp. Nhưng nói thật, nhiều khi tôi muốn về nước”, đó là phát biểu của cô gái này.

Các cô dâu nước ngoài còn phải chịu sức ép khủng khiếp về việc phải mau chóng sinh con. Kawabata Mayumi, một nhà họat động xã hội người Nhật kể lại: “Một phụ nữ Triều Tiên nói với tôi rằng, sáng nào bà mẹ chồng cũng hỏi: ‘Tối qua thế nào?’”

Nhiều người cho rằng việc người Nhật lấy vợ nước ngoài là một hình thức bóc lột. Không ít cô dâu đã trốn chạy khỏi những gia đình ngược đãi quá đáng. Số khác thì nêu lên những mặt trái của các cuộc hôn nhân với người nước ngoài qua việc nhiều phụ nữ chỉ mong vào được thị trường lao động bất hợp pháp lớn nhất và quyến rũ nhất thế giới là Nhật Bản. Một số “cô dâu” trả tiền cho các ông chồng để có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, số khác thì đá bay các đức lang quân ngay khi đặt chân lên đất Nhật.

Dù sao, sự xuất hiện của các cô dâu người nước ngoài cũng đang mang đến những đổi thay cho cuộc sống tại một số vùng nông thôn. Các cô dâu người Thái Lan tại làng Tadami thường dựng quầy hàng ăn dân tộc mỗi khi làng có hội, các cô dâu người Hoa ở một số thị xã thì hay được mời đi dạy nấu ăn. Một vùng có hơn 1000 cô dâu người nước ngoài đã bắt đầu chương trình giáo dục văn hóa quốc tế cho cư dân địa phương, một phần để những đứa trẻ con các bà mẹ ngoại kiều này không bị chúng bạn trong lớp trêu chọc. Những thị trấn này trở nên quốc tế hóa, nhiều người trong đời chưa từng mua từ điển thì nay mua những cuốn sách hội thoại tiếng Trung. Tại vài ngôi làng nhỏ, thậm chí các bà cụ 80, 90 tuổi cũng nói “ni hao” (xin chào). Trong một số gia đình, các bà mẹ chồng không còn đối xử với các cô dâu người nước ngoài như o-yome-san nữa.

Hoshi Aiko, 36 tuổi, một phụ nữ người Hoa gốc Triều Tiên, lập gia đình với một thợ mộc ở Tadami cách đây 2 năm cho biết, cô đang cố trở thành người Nhật. “Tôi muốn học tiếng Nhật, học các phong tục ở đây và là một người vợ tốt”, cô nói. Vì Hoshi phải đi làm nên khi về nhà, bà mẹ chồng 77 tuổi không cho cô nhúng tay vào việc bếp núc, dọn dẹp hay giặt giũ. Hoshi tâm sự: “Cô con gái duy nhất của mẹ chồng tôi đã cưới một anh chàng người Mỹ và sang Mỹ sinh sống. Mẹ chồng tôi nói, muốn tôi trở thành con gái của bà”./.

Read Full Post »


Có thể nói, nhắc tới Judo là ai cũng nghĩ về Nhật Bản, nơi sinh ra môn thể thao này. Tuy nhiên, Judo đã trở thành một môn thể thao quốc tế và sự phát triển của Judo đã vượt quá tầm kiểm soát của Nhật. “Làm thế nào để giữ được bản chất vốn có?” – Câu hỏi này đang làm đau đầu nhiều người tại Nhật Bản…

* * *

Một chiều tháng 2 lất phất mưa tuyết, chúng tôi đến thăm Kodokan, nằm ở trung tâm Tokyo. Lịch sử của Judo bắt đầu từ nơi đây và Kodokan được coi là thánh đường của Judo. Ở đây, hàng ngày có nhiều người hâm mộ Judo đến tập luyện. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều quốc tịch. Họ tới Kodokan luyện tập với mục đích khác nhau. Kẻ thì muốn trở nên mạnh mẽ, người thì muốn rèn luyện sức khỏe, tinh thần sảng khoái và cũng có những người chỉ đơn giản muốn học cách tự vệ. Có những người muốn trở thành võ sư Judo cũng đến Kodokan kiếm tìm sự nghiệp.

Judo, hay “Nhu đạo” là môn võ thuật nổi tiếng của Nhật Bản. Judo như chúng ta thấy ngày nay chỉ mới tồn tại hơn 100 năm nhưng nó có nguồn gốc khá lâu đời

Trước khi Judo ra đời, ở Nhật Bản có môn võ thuật ju-jutsu, tức là nhu thuật. Ju-jutsu ra đời cuối thế kỷ 16, khi tầng lớp võ sĩ có thế lực vô cùng mạnh mẽ. Jujutsu khởi nguồn là môn vật biểu diễn cung đình sechie-zumo, rất phổ biến trong thời Nara vào thế kỷ 8 và thời Heian từ cuối thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 12. Một nhân vật thuộc tầng lớp võ sĩ nghĩ ra môn ju-jutsu để nâng cao kỹ thuật tự vệ và chiến đấu. Ju-jutsu được nhiều võ sĩ học theo, nên môn này cũng phát triển cùng với tầng lớp võ sĩ. Vào thời Edo, tức là từ năm 1600 đến năm 1868, ju-jutsu phát triển thành một môn võ thuật tự vệ và được sử dụng để bắt tội phạm. Các trường dạy ju-jutsu phát triển mạnh trong thời kỳ này nhưng rồi sa sút do sự sụp đổ của tầng lớp võ sĩ samurai sau Minh Trị Duy Tân vào năm 1868.

Trong khi đó, có 1 người học ju-jutsu rất tích cực là ông Kano Jigoro. Ông sinh năm 1860. Khi ông còn bé, thể tạng ông yếu nên mặc dù học rất giỏi, ông luôn bị bạn cùng lớp bắt nạt. Từ đó, ông có nguyện vọng “muốn trở thành người mạnh mẽ” nên sau khi vào trường đại học, ông bắt đầu học ju-jutsu để nâng cao sức khỏe. Ông học ju-jutsu rất tích cực và dần dần say mê môn này.

Ban đầu, ông Kano cũng cảm thấy lo ngại về tương lai của ju-jutsu vì sau Minh Trị Duy Tân, chính phủ quyết định rằng ở trường cấp 1, 2 chỉ dạy các môn thể thao từ các nước phương Tây đưa vào chứ không dạy các môn võ thuật như ju-jutsu, hay kenjutsu tức là kiếm thuật, v.v… Ông nghĩ rằng cần phải cải tạo tính chất của ju-jutsu, từ môn võ thuật chỉ sử dụng để tự vệ và tấn công người khác sang 1 môn võ vừa giúp cơ thể con người khỏe mạnh hơn, vừa góp phần bồi dưỡng tinh thần cao đẹp. Ông nghiên cứu tạo ra một môn mới. Và Judo ra đời. Năm 1882, ông Kano Jigoro lập trường Judo Kodokan ở Eishoji, một ngôi đền tại Tokyo.

Judo

Năm 1893, tức là 11 năm sau khi thành lập Kodokan, những nữ võ sinh đầu tiên nhập học trường này. Một phương pháp đào tạo Judo cho phụ nữ một cách có hệ thống được nghiên cứu và áp dụng.

Năm 1883, Judo bắt đầu được đưa vào các môn học trong nhà trường. Ngay sau thế chiến 2, quân đội đồng minh chiếm đóng Nhật Bản đã cấm dạy Judo trong trường học. Tuy nhiên, năm 1949, Liên đoàn Judo toàn Nhật Bản ra đời. Việc dạy Judo trong trường học được nối lại vào năm 1951 và các liên đoàn được thành lập ở nhiều cấp. Các câu lạc bộ Judo hình thành trong nhiều công ty lớn.

Khi ông Kano tạo ra môn Judo, ông đặt 2 điều mà người tập Judo nào cũng phải học nằm lòng, và nó trở thành 2 triết lý chính của Judo cho đến ngày nay. Đó là “Tinh Lực Thiện Dụng”, tạm dịch là “dùng cả trí và lực” và “Tự Tha Cùng Vinh”, nghĩa là “cùng phát triển tài năng”.

Vậy mục đích của môn Judo là gì? “Ông Kano Jigoro, người sáng tạo môn Judo nêu rõ, Judo có 3 mục đích”, giáo sư Murata Naoki thuộc viện nghiên cứu Judo của Kodokan nói “Thứ nhất là thể dục thể thao, tức là qua tập luyện Judo tăng cường sức khỏe; thứ 2 là thượng võ, tức là qua Judo học cách bảo vệ bản thân mình để tránh nguy hiểm; và thứ 3 là tu thân, tức là qua học tập Judo rèn luyện bản thân và học những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Nói tóm lại học Judo không chỉ góp phần phát triển bản thân mình mà toàn xã hội.”

Về vai trò của Judo đối với Nhật Bản, giáo sư Murata phân chia thành 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất kéo dài khoảng 50 năm từ thời Minh Trị đến kết thức chiến tranh thế giới lần thứ 2 và thời kỳ thứ 2 là từ sau khi chiến tranh thứ 2 kết thúc đến nay. Trong thời kỳ thứ nhất, chính phủ áp dụng chính sách “Phú Quốc Cường Binh”. Theo quan điểm này, môn Judo góp phần cải thiện tầm vóc của người Nhật để khỏe mạnh hơn. Trong thời đó, tất cả nam học sinh Nhật Bản đều phải học các môn võ thuật như Judo, Kendo, v,v… Trong thời kỳ thứ 2, tính chất của Judo thay đổi và trở thành “môn thể thao thi đấu”. Judo được những người yêu thích thể thao trên toàn thế giới ủng hộ và cuối cùng trở thành một môn thi đấu trong Thế vận hội.

Judo có rất nhiều waza, tiếng Việt tạm gọi là “đòn”, chẳng hạn các đòn quật như seoi-nage, o-soto-gari, taio-toshi, tomoe-nage, các đòn khóa như kesa-gatame, kata-gatame, yoko shihogatame, v.v… Judo là môn song đấu. Các võ sĩ sử dụng các đòn kể trên để tấn công đối phương. Trong môn Judo có 4 mức độ để biểu hiện trình độ tấn công: cao nhất là “Ippon”, sau đó là “Waza-ari”, “Yuko” và “Koka”. Trong thi đấu, trọng tài sẽ đánh giá những đòn của các võ sĩ hiệu quả đến mức nào và quyết định mức độ của đòn đó. Nếu vận động viên nào giành được “Ippon” thì thắng luôn. Nếu vận động viên nào giành được 2 “Waza-ari” trong 1 trận thi đấu thì được coi là 1 “Ippon” và giành chiến thắng. 2 mức độ “Yuko” và “Koka” có giá trị thấp hơn “Ippon” và “Waza-ari”. Các võ sĩ dù có giành được bao nhiêu “Yuko” hay “Koka” chăng nữa cũng không được coi là thắng luôn và vẫn phải tiếp tục thi đấu đến thời hạn thi đấu (trong thi đấu quốc tế nam giới, thời hạn 1 trận là 5 phút). Và khi trận đấu kết thúc sẽ tính số lượng các đòn của 2 bên để quyết định bên nào thắng cuộc. “Yuko” có giá trị cao hơn “Koka” nên chẳng hạn võ sĩ A giành được 1 “Yuko” và võ sĩ B giành được 2 hoặc 3, thậm chí 4 “Koka” thì phần thắng vẫn thuộc về võ sĩ A.

5 năm sau khi thành lập Liên đoàn Judo quốc tế vào năm 1951, giải vô địch Judo thế giới lần thứ nhất được tổ chức ở Tokyo với sự tham dự của 31 vận động viên từ 21 nước. Tại hai giải vô địch thế giới đầu tiên, vị trí đầu đều thuộc về các võ sĩ xứ Phù Tang, giữ thể diện cho Nhật Bản là nước khai sinh môn thể thao này. Nhưng giải vô địch thế giới lần thứ 3 ở Paris năm 1961 đã chứng kiến sự đăng quang của một võ sĩ Judo không phải người Nhật Bản.

Trong khi đó, Judo lần đầu tiên trở thành môn thi chính thức Olimpic tại thế vận hội mùa hè năm 64, tổ chức ở Tokyo. Trong 4 hạng cân, Nhật Bản giành chiến thắng ở 3 hạng và chịu thua ở hạng cân tự do. Với thất bại này, các võ sĩ Judo Nhật Bản bắt đầu thấy khó khăn trên vũ đài quốc tế.

Giải vô địch Judo thế giới dành cho phái nữ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1980 và kể từ năm 1987, trong các giải vô địch Judo thế giới có các cuộc tranh tài của cả nam và nữ. Judo nữ chính thức trở thành một môn thi Olimpic tại Thế vận hội Barcelona năm 1992.

Tại Olimpic Atlanta 96 ở Mỹ, Nhật Bản đoạt được 3 huy chương vàng ở các hạng cân 60kg của nam, 71kg của nam, 61kg của nữ, cùng 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Ở giải vô địch judo thế giới năm 97, tổ chức ở thủ đô Paris của Pháp, đoàn tuyển thủ Nhật Bản giành 4 HCV ở các hạng 71kg của nam, 60kg của nam, 72kg của nữ, 48kg của nữ, cùng 3 HCB và 2 HCĐ.

Trong số các vận động viên Judo của Nhật Bản hiện nay, nổi bật là các nam tuyển thủ Kenzo Nakamura 25 tuổi, Tadahiro 24 tuổi, các nữ võ sĩ Noriko Anno 22 tuổi thi đấu hạng 72kg, Yuko Emoto 26 tuổi từ hòn đảo cực bắc Hokkaido và ngôi sao 23 tuổi Ryuko Tamura. Tamura là con cưng của Judo nữ Nhật Bản, ứng cử viên nặng ký đoạt HCV hạng 48kg tại Olimpic Atlanta nhưng bất ngờ để tuột vào tay một đối thủ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, cô đã lấy lại phong độ và chiếm vị trí đầu trong giải vô địch thế giới năm ngoái.

Nếu nói về vị trí của Judo Nhật Bản hiện nay, xét về thành tích thi đấu, trong số hơn 170 nước và khu vực thành viên Liên đoàn Judo thế giới, Nhật Bản là một nước trong 15 nước đứng đầu. Nếu so sánh thành tích thi đấu tại các giải vô địch thế giới hay Olympic, số lượng các huy chương vàng, bạc, đồng của các võ sĩ Nhât Bản không phải là ít, và Nhật Bản vẫn là 1 trong 5 cường quốc. Cũng không quá đáng khi khẳng định, Nhật Bản vẫn giữ được vai trò tiên phong về Judo.

Về khía cạnh chỉ đạo và phổ biến Judo – một trong những nghĩa vụ của nơi sinh ra môn này – Hàn Quốc và các nước châu Âu cũng hoạt động rất tích cực. Có thể nói vai trò của Nhật Bản đang bị các nước đó đe dọa.

Theo nhận xét của những chuyên gia Judo Nhật Bản cấp cao, những đối thủ đáng gờm của Nhật trên võ đài quốc tế, thứ nhất, phải kể đến Hàn Quốc. Sức lục thi đấu của các vận động viên nước này không thua kém Nhật Bản. Kế đến là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Nga, Udơbekixtan, Kiếcghikixtan, Grudia và các nước châu Âu như Pháp, Đức, Ba Lan… Tại giải vô địch thế giới năm ngoái, Pháp đoạt tới 4 HCV trong khi 3 HCV khác thuộc về các võ sĩ Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên và Cu Ba cũng có nhiều võ sĩ mạnh.

Giờ đây, môn Judo không phải là môn võ thuật của riêng Nhật Bản mà của cả thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia Judo của Nhật Bản nhận xét rằng, trong số hơn 170 nước và khu vực có liên đoàn Judo hiện nay, môn Judo của nhiều nước không hoàn toàn giống với Judo Nhật Bản về kỹ thuật và kiểu của các waza, vì Judo của họ kết hợp môn võ thuật riêng của từng khu vực. Ví dụ như môn Judo ở châu Âu, các nước châu Âu đưa những kỹ thuật vật vào môn Judo. Đây có thể nói là sự phát triển của Judo. Nhưng cũng có trường hợp mà theo quan điểm của Judo Nhật Bản là vượt qua phạm vi cho phép. Nói cụ thể hơn, trong đó đôi khi có động tác quá dựa vào sức lực thể chất của con người nên môn đó không hoàn toàn là Judo vì không phải ai cũng tham gia được.

Hiện nay Judo đang đứng trước nhiều thay đổi. Chẳng hạn trang phục của các võ sĩ Judo, tiếng Nhật gọi là judogi, vốn theo truyền thống phải là màu trắng vì mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sạch sẽ, linh thiêng và hạnh phúc, đồng thời biển hiện việc giáo dục đạo đức – tức là mục tiêu thứ 3 của Judo. Tuy nhiên trang phục Judo với nhiều màu khác là chủ đề được bàn cãi khá nhiều, và thậm chí trang phục Judo màu xanh bắt đầu được sử dụng. Nhiều liên đoàn Judo trên thế giới cũng kiến nghị áp dụng cách tính điểm chứ không dùng các tiêu chuẩn lâu nay.

Đề nghị áp dụng cách tính điểm phát sinh ra từ cách suy nghĩ của một số nước muốn “làm cho môn này dễ xem và dễ hiểu hơn”. Nhưng cách suy nghĩ này, theo phía Nhật Bản, hoàn toàn sai lầm. Theo lịch sử Judo, môn này vốn là võ thuật đấu tranh. “Ippon” có nghĩa là giết chết đối phương. Các mức độ khác như “Waza-ari”, “Yuko”, “Koka” chỉ có nghĩa là làm hại nhẹ cho đối thủ mà thôi. Theo quan điểm này, nếu vận động viên nào giành được bao nhiêu “Koka” hay “Yuko” cũng không bằng giá trị của một “Ippon”. Trong Judo, có chiến lược cố ý cho đối phương bị vài lần “Yuko”, “Koka” để tìm cơ hội giành được “Ippon”. Tóm lại, “Ippon” có giá trị đặc biệt, tuyệt đối và cách tính điểm không thể hiện được những mức độ quan trọng này.

Để Judo phổ biến rộng rãi và đến với nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa trên thế giới, không thể không có một số thay đổi cần thiết. Tuy là nước khai sinh ra môn thể thao này, tiếng nói của Nhật Bản hiện nay trong Liên đoàn Judo thế giới cũng chỉ ngang bằng như mọi thành viên khác. Nhật Bản chỉ có một phiếu bầu và đây là thực tế khó khăn cho Nhật nếu muốn duy trì bản chất truyền thống của Judo.

Có lẽ nơi để Nhật Bản khẳng định mình không phải là tại các bàn thương lượng, không phải trong các cuộc tranh cãi về luật lệ, quy định mà là tại các võ đài quốc tế. Các cuộc đọ tài Judo quan trọng sắp tới là giải vô địch Judo thế giới vào năm sau tại Birmingham của Anh, Olimpic 2000 tại Sydney, Ôxtrâylia, và giải vô địch thế giới đầu tiên của thế kỷ 21 tại thành phố Munich của Đức vào năm 2001. Đối với các võ sĩ Nhật Bản, vấn đề lớn nhất cần phải khắc phục là nâng cao thể lực vì các vận động viên của châu Âu có thể tạng to cao hơn. Nhật Bản cũng phải tập hợp thông tin – tin tức về các đội tuyển Judo của các nước khác và đặt ra chiến lược hữu hiệu. Sự vận động thuyết phục nhất để giữ những nét truyền thống quan trọng của Judo Nhật Bản là thành tích xuất sắc tại các cuộc tranh tài quốc tế.

* * *

“Dùng cả trí và lực”, “Cùng phát triển tài năng” – tất cả những người học Judo đều phải ghi nhớ 2 điều dạy này. Theo tiến sĩ David Matsumoto, giáo sư tâm lý trường đại học bang San Francisco đồng thời là trưởng ban huấn luyện đội tuyển judo quốc gia Mỹ tham dự Olimpic Atlanta, chính lịch sử và triết lý đặc biệt, độc đáo của judo khiến cho judo khác với các môn võ thuật thi đấu khác. Chẳng hạn môn vật cũng có những điểm giống judo xét về khía cạnh kỹ thuật, môn quyền Anh cũng không thua kém, nếu không nói là hơn judo, về tính chất tấn công, nhưng chỉ judo mới vừa nhằm rèn luyện thể chất, vừa nhằm rèn luyện tinh thần, giáo dục tính cách và đạo đức.

Con số khoảng 1 triệu người tập luyện Judo hiện nay ở Nhật Bản quả không ít, chiếm tới gần 1% dân số. Nhưng vấn đề không được coi nhẹ đối với những người muốn truyền bá môn thể thao này là phải tích cực đào tạo và phổ biến ở nước ngoài. Giữ gìn bản chất truyền thống của Judo là quan trọng, nhưng có ý nghĩa không kém là phải làm cho mọi người hiểu Judo có bản chất như vậy bởi nó xuất phát từ Nhật Bản./.

Read Full Post »

« Newer Posts - Older Posts »