Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Các bài viết riêng’ Category


Trong thời gian công tác ở Kyoto cuối năm 2007, tôi gặp một bác lái xe rất tận tình. Nếu cần nêu ví dụ về một nhân viên chuyên nghiệp thì có lẽ bác là ví dụ rõ ràng nhất.

Kể từ khi tôi bước lên xe của bác tại sân bay, trong suốt mấy ngày tiếp theo, bác lái xe này vô cùng tận tình tới mức tôi thấy… ái ngại. Thật chẳng hay chút nào khi một người tóc bạc cứ mở cửa xe cho mình, nhưng bác thì luôn mở sẵn cửa xe cho tôi bước vào và khi dừng xe thì bác cũng là người bước ra nhanh nhất.

Ngoài những cuộc phỏng vấn đã được sắp xếp trước, tôi được bố trí một ngày tự do để đi viết theo yêu cầu riêng. Chính bác lái xe là người chủ động giới thiệu lịch sử của từng địa điểm mà chúng tôi (gồm cả một chị phiên dịch) sắp đến, thậm chí bày cho tôi cách “chiếm vị trí đẹp” để chụp ảnh hoặc lấy thông tin.

Khi đi chụp ảnh lá đỏ hoặc leo núi thăm các ngôi chùa, bác lái xe mới thực sự thể hiện sự chu đáo của mình. Chẳng hạn nếu thả chúng tôi ở cổng chính hoặc lối đi chính thì bác sẽ chỉ cách để đi trọn quãng đường. Sang tới bên kia thì bác đã chờ sẵn, thậm chí leo lên cao để đón vì sợ chúng tôi lạc.

Nhưng câu chuyện đáng kể lại nhất là thế này: Kết thúc mấy ngày làm việc ở Kyoto, chính bác lái xe đưa chúng tôi lên Osaka, đi mất khoảng 1 giờ. Sau khi check-in, chúng tôi xuống phố ngay để đi ăn tối. Cũng vừa lúc ăn cơm xong thì bác lái xe gọi điện cho chị phiên dịch, nói rằng chị để quên một gói nhỏ trên xe và bác đang trên đường quay trở lại Osaka để hoàn trả. Dù chị có giải thích ra sao chăng nữa, rằng gói nhỏ đó không có giá trị gì, bác vẫn quả quyết quay lại để giao tận tay.

Chúng tôi vô cùng áy náy vì bác phải lặn lội thêm hơn hai tiếng đồng hồ giữa hai thành phố. Bởi vì đổi lại quãng đường xa giữa đêm tối chỉ là…. một gói kẹo trị giá khoảng 5 USD.

Read Full Post »


Người Việt Nam tại Nhật Bản không nhiều, chỉ chưa đầy 8000 người – một con số vô cùng ít ỏi so với hàng chục, hàng trăm ngàn người Việt ở một số nước châu Âu, chứ chưa nói đến con số cả triệu người ở Mỹ. Người Việt Nam ở Nhật cũng xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau: có người du học sang Nhật rồi ở lại, có người sang vì lý do đoàn tụ gia đình, và cả những người là thuyền nhân.

Có người cho rằng người Việt Nam không dễ thích nghi môi trường xã hội Nhật Bản, và vĩ lẽ đó không mấy người thành công tại đất này. Quả thực, trong số Việt kiều nằm rải rác tại Nhật Bản, có thể thấy một số lượng không nhỏ chỉ lao động chân tay, làm những việc nặng nhọc và cuộc sống không được đầy đủ. Song cũng có những người thành đạt và vươn tới những vị trí nhất định trong xã hội Nhật.

Một Việt kiều tại Nhật Bản, được người Việt Nam biết nhiều nên có thể kể trên ngay, là giáo sư Trần Văn Thọ. Ông không những là chuyên viên kinh tế cao cấp thuộc trung tâm nghiên cứu kinh tế NB, giáo sư kinh tế của trường đại học Obirin và có thời gian là giáo sư thỉnh giảng khoa kinh tế trường Đại học Quốc gia Hà Nội, mà từng là ủy viên chuyên môn ban cố vấn kinh tế cho nhiều nhiệm kỳ thủ tướng Nhật, và trước đây cũng là một trong những ủy viên ban cố vấn về cải cách kinh tế và hành chính cho thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt. Hiện tại, ông còn nằm trong ủy ban nghiên cứu các vấn đề kinh tế liên quan đến kế hoạch chuyển thủ đô của Nhật Bản.

Một Việt kiều thành đạt khác tại Nhật là Tiến sĩ Đặng Lương Mô. Thuộc lớp người đầu tiên được nhận học bổng của chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam từ sau Thế chiến 2, ông tới Nhật Bản vào tháng 4/57 và học tiếng Nhật một năm trước khi vào học tại Đại học Tokyo – nơi ông đã đậu khóa đầu tiên của khoa Kỹ thuật điện tử là một khoa mới mở. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ khoa học kỹ thuật, ông làm công tác nghiên cứu tại công ty Toshiba. Năm 1971, ông trở về Việt Nam, giảng dạy trong 5 năm tại Đại học Sài Gòn và Học viện kỹ thuật quốc gia, nay là Đại học bách khoa thành phố Hồ Chí Minh.

Trở về Nhật Bản, ông tiếp tục làm việc cho Toshiba cho đến khi nhận về giảng dạy tại Đại học Hosei vào năm 1983 và hiện là trưởng khoa tin học điện tử tại trường này. Tiến sĩ Đặng Lương Mô là hội viên chính thức của nhiều hội học thuật danh tiếng ở Nhật và Mỹ, kể cả Hội kỹ sư điện tử, tin học và truyền thông Nhật Bản và hội kỹ sư Mỹ. Từ năm 1992, ông được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York.

Trả lời câu hỏi của tôi về cuộc sống và làm việc tại Nhật Bản, tiến sĩ Đặng Lương Mô nói: “Nói chung tôi thấy ở Nhật Bản khó thành công. Một lý do là ngôn ngữ Nhật rất khó. Người ngoại quốc qua đây 1 năm, 2 năm tưởng là mình đã nói thoát được tiếng Nhật. Nhưng thật ra đó là phiến diện. Hiểu sâu được tiếng Nhật phải mất nhiều năm, phải nỗ lực. Muốn thành công ở Nhật Bản, trước nhất phải biết rành rõi tiếng Nhật. Thứ hai là phải chịu khó làm quen, làm bạn với nhiều người Nhật. Tôi đã thấy nhiều nhóm người Việt Nam, qua đây biết đến một đoạn nào đó rồi không tìm hiểu thêm, chỉ tụ tập với nhau. Như vậy khó lòng có thể thành công ở Nhật Bản.”

Một người khác cũng cho rằng học giỏi tiếng bản địa là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công tại Nhật Bản, là bác Nguyễn Văn Ngân, giám đốc công ty thương mại Đông Dương. Bác sang Nhật từ cuối năm 1941 và học kinh tế tại trường Đại học Tokyo. Ngay từ khi còn trẻ, bác từng được cử điều hành chi nhánh của một công ty xuất nhập khẩu Nhật, và năm 29 tuổi đã lập công ty riêng, rồi mở một nhà hàng tại khu Ginza của Tokyo từ năm 1950. Ba năm trước, bác mở nhà hàng thứ 2 và năm nay mở thêm nhà hàng thứ 3. Bác cho biết về công việc kinh doanh của mình: “Tôi xuất cảng đồ tạp hóa, máy khâu, máy dệt cho những hãng dệt lớn. Ngoài ra xuất cảng những đồ tạp hóa sang Mỹ. Những đồ đó giúp tôi có lãi nhiều. Cái tiệm cơm của tôi, 10 năm trước tôi không để ý đến nhiều lắm, do nhà tôi làm hết, chỉ coi là một phần trong hoạt động của mình thôi chứ không để nhiều công sức vào làm. Nhưng sau đó tôi đổi chính sách làm việc của tôi, để ý hơn về buôn bán trong nước. Vì thế nên trong 4 năm nay, chúng tôi mở thêm cửa hàng đây. Và cũng theo phong trào của người Nhật, chúng tôi lợi dụng phong trào đó nên mới mở thêm cửa hàng nhanh như thế”

Bác Ngân nằm trong số ít người nước ngoài đã trải qua cơn bĩ cực cùng cả nước Nhật Bản, đã chứng kiến những thăng trầm của Nhật. Bác cho rằng để thành công, ngoài việc phải học thấu đáo tiếng Nhật và nắm những kiến thức cơ bản, cần phải có sự nhanh chạy nắm bắt tình thế. Riêng đối với bản thân bác, bên cạnh nỗ lực bản thân còn có một yếu tố khác nữa là mối quan hệ thân thiện của những người bản xứ.

“Đối với tôi thì tôi làm việc như tất cả những người khác Nỗ lực của mình đã đưa tôi đến đây. Nhưng một phần lớn là ở sự tử tế của những người mà tôi đi lại, những người bạn của tôi sau chiến tranh…”

Tôi gặp anh Nguyễn Quan Lữ, 51 tuổi, viên chức cấp cao của một công ty mậu dịch lớn của Nhật Bản. Anh sang Nhật vào năm 1970 theo diện học tự túc. Cũng như nhiều người Việt khác sang đây du học, cuộc sống ban đầu của anh không dễ dàng, một phần lớn vì mới bắt đầu học tiếng.

27 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu đặt chân lên đất nước Nhật. Giờ đây, với học vị tiến sĩ nông nghiệp và nhiều năm kinh nghiệm, anh Nguyễn Quan Lữ đã được cử nắm một chức vụ quan trọng trong công ty. Anh phụ trách công tác thị trường nên thường phải đi công tác nước ngoài, bận bịu tham dự các hội nghị song phương, nghiên cứu các thông tin, quy định nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty. Đổi lại, anh có một vị trí mà chính nhiều người Nhật cũng nể trọng. Từ kinh nghiệm bản thân, anh rút ra những yếu tố đưa đến thành công tại Nhật Bản như sau:

“Tôi nghĩ rằng điều cơ bản là trong xã hội Nhật yêu cầu người ta phải có tính hòa đồng vào tập thể, nhẫn nại cần cù để làm quen với công việc. Đó là những yếu tố quan trọng. Nhưng vấn đề được hay không được còn tùy theo sự may mắn, ngoài ý muốn của mọi người. Nhiều người có năng lực hơn tôi nhưng có thể chưa gặp may mắn nên chưa đạt được ý muốn của mình. Chúng ta phải đánh giá sự nỗ lực của bản thân nhưng đồng thời phải thừa nhận yếu tố may mắn trong đó. Nhất là ở xã hội Nhật này, các điều kiện xã hội chưa phóng khoáng đầy đủ để tiếp nhận với người nước ngoài như với người bản xứ, nên sự may mắn đưa mình đến với 1 công ty hiểu và thông cảm và tạo điều kiện giúp đỡ mình là sự may mắn.”

Như phát biểu của anh Nguyễn Quan Lữ, sự hòa đồng là một yếu tố khá đặc trưng trong xã hội Nhật Bản. Vì thế, người ngoại kiều lại càng phải cố gắng nhiều hơn để thích nghi với lối sống và làm việc này, và họ cần có sự thông cảm và hỗ trợ của người bản địa.

Sự giúp đỡ của những người bạn Nhật cũng là yếu tố quan trọng để chị Nguyễn Thị Giang mở được nhà hàng Việt Nam của riêng mình cách đây hai tháng. Chị Giang không có được lợi thế của tuổi trẻ bởi khi sang Nhật vào năm 1988, chị đã cập kê tứ tuần. Nghe chị kể chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực không mệt mỏi của người phụ nữ này. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình 5 người, chị vừa tranh thủ học tiếng Nhật, vừa làm nhiều công việc – từ lắp ráp linh kiện điện tử cho đến dạy nấu ăn, phục vụ nhà hàng. Rồi chị được bạn bè, người quen giúp thêm về tài chính và đứng ra bảo lãnh để mở nhà hàng Việt Nam. Từng là giáo viên dạy nấu ăn tại Việt Nam trước khi sang Nhật nên chị rất tự tin với công việc của mình. Tuy nhiên, chị cho biết mục tiêu chính yếu khi mở nhà hàng chỉ là để giới thiệu văn hóa Việt Nam.

“Mình là người ngoại quốc mà sống ở nước ngoài, thành đạt rất là khó. Đầu tiên là vấn đề văn hóa, rồi ngôn ngữ khác biệt. Dù cho có thành công thì cũng chỉ tới giới hạn nào thôi. Thành công mà để mãn nguyện chắc không ai có. Tôi hài lòng vì bây giờ tôi đã giới thiệu dược văn hóa Việt Nam cho người Nhật. Mỗi người khách đến đây đi ra khen món ăn Việt Nam ngon. Đó không phải là khen bản thân tôi mà khen nước Việt Nam tôi có những món ăn ngon, điều đó khiến tôi rất mãn nguyện.”

Những người Việt Nam chắc chắn đều vui khi thấy Việt kiều ở hải ngoại thành đạt và nhiều việc làm của họ gắn liền với niềm tự hào đối với tổ quốc. Và càng vui khi nghe nhắc tới những người thuộc dòng giống Lạc Việt đã cống hiến nhiều thành tựu cho thế giới.

Có lẽ không chỉ chúng tôi mà nhiều thính giả sẽ rất bất ngờ khi biết, nhiều kỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày hiện nay, nhất là tại các nước tiên tiên, chính là nhờ phát minh của một người Việt Nam. Đó là cụ Lê Văn Quý, một trong những người Việt đến ở Nhật Bản lâu đời nhất. Cụ sang Nhật vào năm 1943 theo diện trao đổi sinh viên Việt-Nhật, đúng vào lúc đang xảy ra Thế chiến II. Cụ theo học ngành điện tử và nhờ chú tâm vào việc nghiên cứu, cụ đã có hàng chục phát minh đã đăng ký bản quyền và bán cho nhiều công ty Nhật cũng như trên thế giới, không kể một số phát minh chưa đăng ký. Có thể kể tên một số phát minh quan trọng của cụ như: cửa tự động, vòi nước tự động, tăng độ sáng của đèn xe, máy kiểm tra chỗ hỏng hóc của xe hơi,v.v… Nhiều phát minh của cụ góp phần không nhỏ trong sự phát triển của các hãng xe hơi Toyota, Nissan.

Cụ tâm sự về những phát minh của mình: “Tôi có các bằng phát minh về máy móc động cơ, về đèn nê-ông, cách sơn xe hơi và nhiều phát minh về máy truyền hình. Ví dụ các máy CD, đầu pick-up không có kim, dùng ánh sáng, cái đó tôi nghĩ đã lâu, cả về máy ảnh nữa. Nhiều nhiều lắm, có 4-5 chục cái tôi bán ngay. Hiện còn khoảng 10 cái tôi chưa bán được. Không phải tôi thích gì chuyện phát minh đâu. Chính là vì đời sống. Phát minh cho một số tiền rất lớn và rất mau. Nhưng cạnh tranh với Nhật khó khăn lắm, phát minh không khéo thì họ nắm lấy và bắt chước ngay mà chẳng lấy được một xu nào cả.”

Năm nay, tuy không còn khỏe vì đã ở tuổi 80, cụ vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu xe hơi chạy điện – một kỹ thuật cho tương lai. Với tư cách một nhà khoa học có nhiều phát minh, cụ khẳng định người Việt Nam không hề thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới:

“Mới đầu sang đây tôi thấy đời sống vất vả khó khăn lắm, vì người Nhật làm việc khá nặng đấy cho nên khó lòng mà sống được bên này. Nhưng sau khi làm qua với các xưởng máy Nhật thì thấy người Việt mình không kém gì người Nhật cả nếu mình cố gắng. Cho nên tôi thấy anh em Việt Nam mà sang đây nhiều, mình theo các xưởng máy Nhật thì nước của mình không kém gì nước Nhật đâu.”

Bác Nguyễn Văn Ngân, giám đốc công ty thương mại Đông Dương, cũng nói nỗ lực chính là yếu tố giúp mọi người vươn lên và vượt qua chính mình.

“Số phận là một yếu tố trong cuộc đời người ta. Nhưng nói số phận ta chỉ có thế này thôi và ta bằng lòng với số phận của mình, sống một đời khó khăn. Trong một phần nào có thể đổi số phận đó bằng cách cố sức. Nghèo đi chăng nữa cũng phải cố, và cố gắng đó, trong chừng mực nào, có thể thay đổi được số phận của mình. Nỗ lực của mình có thể giúp một phần trong sinh sống và trong sự thành công của mình nó cũng là một yếu tố lớn”

Có thể có người vẫn bám lấy suy nghĩ, phải ra nước ngoài mới thành công. Song thực tế chính bản thân những người thành đạt thừa nhận, hoàn cảnh và sự may mắn chưa thể mang lại tiền của và danh vọng vững bền. Hai yếu tố quan trọng nhất chính là kiến thức và nỗ lực bản thân. Tiến sĩ Đặng Lương Mô có vài lời khuyên với giới trẻ Việt Nam: “Lẽ dĩ nhiên là cần phải mở rộng cửa để thanh niên Việt Nam đi ra nước ngoài để mở rộng tầm mắt, để biết hơn. ôi nghĩ tuổi trẻ nên có tham vọng. Đối với thanh niên Việt Nam, tôi khuyên là nên cố gắng. Tốt hơn hết là hãy cố gắng ở trong nước.”

Những người như cụ Quý, bác Ngân, anh Lữ, chị Giang, giáo sư Trần Văn Thọ, tiến sĩ Đặng Lương Mô, chỉ là một vài ví dụ về sự thành đạt của người Việt Nam ở Nhật Bản nói riêng và ở nước ngoài nói chung. Họ đã đạt tới địa vị nhất định trong xã hội, hoặc chí ít cũng có một cuộc sống ổn định trong một xã hội nhiều cạnh tranh. Họ là những cá nhân trong cả một cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như nước ngoài, luôn nỗ lực để vượt lên mọi hoàn cảnh.

Do những lý do khác nhau, họ đã đến sinh sống làm ăn tại Nhật Bản, nhưng tấm lòng họ luôn hướng về đất Việt phương nam – nơi mới thực sự là quê hương, mới thực sự là nơi họ gửi gắm tâm hồn mình. Sau những giờ lên lớp, những khi tan sở, những lúc nghỉ tay giữa ca làm việc, sau khi trút bỏ những bộn bề, bon chen trong cuộc sống và trở về với mái ấm gia đình, họ luôn hướng về Việt Nam. Chúng tôi xin trích lời chị Nguyễn Thị Giang làm phần kết cho chương trình này:

“Tôi thấy ở đây có nhiều công ăn việc làm. Nếu đi làm thì cuộc sống ổn định, không phải lo lắng. Nhưng về vấn đề tinh thần chẳng hạn như láng giềng bạn bè thì những người Việt Nam ở Nhật Bản đều buồn chứ không phải mình tôi. Ở đây thấy bạn bè mệt, có những gì mình buồn, vất vả cũng không dám nói hết, nói ra bạn bè lo lắng rồi làm phiền người ta. Giữ kẽ với nhau nên lần lần tình cảm xa cách.

“Chẳng hạn những ngày Tết của Nhật Bản, chẳng nghe tiếng pháo, chẳng thấy gì về tết nhất, lúc đó có lẽ nằm mà khóc vì nhớ về quê hương, nhớ cha nhớ mẹ mình. Những ngày tết là vấn đề thiêng liêng, rồi còn những ngày giỗ chạp. Tôi sang đây ngày giỗ chạp không có thì giờ để làm, nhiều khi nghĩ cảm thấy buồn lắm ngoài ra không nghĩ được về quê hương được nữa. Những khi rảnh rỗi, trời mưa hay ngồi xe điện, nghĩ đến gia đình nhiều, buồn.”

Không ai có thể hiểu nỗi buồn xa xứ nếu không ở vào hoàn cảnh của những người phải sống xa Tổ quốc. Nhưng càng trân trọng hơn khi họ đã khẳng định chính mình và vươn lên trong một xã hội hoàn toàn xa lạ, trong lúc vẫn một lòng nhớ về quê hương./.

(Chương trình phát thanh NHK – 9/1997)

Note: Trong chuyến thăm Nhật gần đây, tôi được tin cụ Lê Văn Quý đã qua đời nhiều năm trước. Xin gửi lời tiễn biệt muộn mằn tới gia quyến. Những nhân vật trong bài viết này cũng đã có nhiều thay đổi về công việc.

Read Full Post »


Nhắc tới Nhật Bản là nhiều người hình dung đến một đất nước phát triển kinh tế hùng mạnh từ đống tro tàn chiến tranh, nói đến tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người nằm trong số những nước đứng đầu thế giới. Không ít người cho rằng cuộc sống ở Nhật Bản là thiên đường bởi tiền lương ở Nhật cao như tháp Tokyo hay những tòa nhà chọc trời sừng sững giữa các thành phố lớn của xứ Phù Tang. Vậy thực chất cuộc sống ở Nhật như thế nào?

Ở Nhật Bản, điều tra toàn quốc năm 1995 cho thấy, số người trong một hộ gia đình trung bình là 2,82 người. Hiện nay, ở Nhât Bản, hộ gia đình 1 người chiếm khá nhiều, tới 25,6 %. Đây chủ yếu là hộ của những thanh niên đi học hoặc đi làm xa nhà bố mẹ mà chưa lập gia đình. Vì vậy nếu chỉ tính hộ gia đình từ 2 người trở lên thì số người trung bình mỗi hộ là 3,44 người, tức là đa phần các hộ gia đình có khoảng 1 hoặc 2 con.

Cũng như người Việt Nam, người Nhật có quan niệm rằng càng có nhiều con càng hạnh phúc, nhưng hiện nay, người ta nghĩ rằng không thể có nhiều con được. Theo thăm dò do Văn phòng Thủ tướng tiến hành năm 1997 về lý do tại sao số con giảm đi, 58,2% trả lời rằng vì mất nhiều chi phí giáo dục con cái, 50,1% nêu lý do không có khả năng về kinh tế để nuôi dạy, chăm sóc con cái, và 44,7% trả lời rằng khó có thể vừa đi làm vừa nuôi con. Ở Nhật Bản, trong tất cả hộ gia đình có cả hai vợ chồng, tức là không kể những gia đình chỉ có một người, 57,2% các bà vợ đi làm và tỷ lệ hộ gia đình hạt nhân khá cao. Vì vậy, có con nhỏ thì vợ phải nghỉ việc để chăm sóc con. Và nói chung, sau khi đẻ con, người phụ nữ không dễ quay lại làm việc tại cơ quan cũ. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến cho gia đình Nhật Bản chỉ có ít con.

Theo thống kê năm 1997, thu nhập bình quân mỗi tháng của một hộ gia đình là 595.123 yên tức khoảng 4.400 đôla Mỹ. Nhưng mỗi tháng phải nộp thuế thu nhập, thuế cư trú và các loại cước phí bảo hiểm như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, v,v… tổng cộng chừng 98.150 yên, tức khoảng 16,5% so với thu nhập. Theo luật pháp Nhật Bản, công dân Nhật Bản bắt buộc phải gia nhập bảo hiểm y tế, 20 tuổi trở lên thì phải gia nhập bảo hiểm hưu trí, và những nhân viên biên chế của các công ty phải gia nhập bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy không thể tránh được những khoản tiền này. Kể từ tháng 4/1997, mức thuế tiêu dùng tăng từ 3% lên 5% và chế độ giảm thuế đặc biệt kéo dài 3 năm cũng bị hủy bỏ, nên người dân phải chịu nhiều gánh nặng hơn trước.

Mệt mỏi sau ngày làm việc

Một khoản chi phí lớn khác trong gia đình là chi phí ăn uống. Thống kê cho thấy mức chi trung bình khoảng 80.000 yên tức khoảng 600 đôla 1 tháng, chiếm 13,4% tổng thu nhập. Món ăn chính của người Nhật là cơm. Ở Nhật Bản, giá 1kg gạo loại trung bình khoảng 5-600 yên, tức khoảng 4,5 đôla Mỹ, gấp mươi, mười lăm lần giá ở Việt Nam. Cùng với cơm người dân Nhật ăn các loại thịt, cá, rau, đậu. Nói về thịt người Nhật thích ăn 3 loại thịt là thịt bò, thịt lợn, thịt gà. Ngoài 3 loại thịt này ra họ còn ăn các loại thịt khác như thịt cừu, ngựa, lợn rừng v,v… nhưng số lượng tiêu thụ không đáng kể. Giá 1 cân thịt bò khoảng 7.000 yên tức khoảng 52 đôla, thịt lợn khoảng hơn 16 đôla, thịt gà khoảng 8 đôla. Cá thì người Nhật thích ăn các loại cá biển hơn cá nước ngọt. Người Nhật thường ăn trứng gà, không ăn trứng vịt. Giá trứng gà Nhật Bản khá rẻ, 1 quả khoảng 13 yên tức khoảng 0,1 đôla. Đối với các loại rau và hoa quả thì 1 cân bắp cải, củ cải giá 170 yên, tức 1,3 đôla. 1 cân táo 500 yên tức 3,7 đôla, 1 cân nho khoảng 1.400 yên tức 10,4 đôla. Nói chung, thực phẩm Nhật Bản rất đắt, không chỉ so với mức giá Việt Nam mà cả nhiều nước khác trên thế giới.

Đắt đỏ nhất ở Nhật Bản phải kể đến giá nhà ở. Tuy giá đất ở Nhật đã giảm nhiều kể từ khi nền kinh tế thổi phồng sụp đổ, theo những thống kê đầu năm 98, giá đất ở Tokyo và Osaka vẫn đắt nhất trên thế giới. Nếu muốn mua nhà ở thủ đô Tokyo với mức chi phí gấp 5 lần tổng thu nhập 1 năm, tức khoảng 260.000 đôla, thì phải tìm ở những nơi cách xa trung tâm Tokyo khoảng 60 km, và nơi đó đương nhiên là ngoại thành. Muốn tìm nhà trong nội thành Tokyo thì có lẽ phải chuẩn bị 700.000 đôla trở lên. Trong bối cảnh như vậy, 60% hộ gia đình sống ở nhà mua và 40% còn lại sống ở nhà thuê. 35% hộ gia đình sống ở nhà tập thể, chung cư. Nếu chỉ tính vùng Tokyo thì hơn 50% hộ sống ở nhà tập thể. Khi mua nhà, người ta áp dụng chế độ trả góp dài kỳ 20-30 năm, với mức trả góp mỗi tháng khoảng 750 đôla. Có một số công ty bất động sản cho phép áp dụng trả góp 100 năm.

Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người mua nhà trả góp. Thu nhập trong tương lai phải ổn định thì mọi người mới sẵn sàng mua nhà theo hình thức này. Nhưng hiện nay kinh tế Nhật Bản đang trì trệ nên sức mua nhà cũng giảm đi.

Tình hình kinh tế định trệ những năm 1997-98 khiến cho người dân Nhật Bản rất lo lắng về cuộc sống. Theo thăm dò năm ngoái của Văn phòng Thủ tướng, vấn đề nhiều người lo lắng nhất là sức khỏe của bản thân, thứ 2 là cuộc sống sau khi về hưu, thứ 3 là sức khỏe của gia đình, thứ 4 là thu nhập từ nay trở đi, tiếp đến là học hành, tìm việc, hôn nhân của con cái.

Ở Nhật Bản, trường cấp 1 và cấp 2 là giáo dục bắt buộc nên nếu con đi học các trường công thì không cần nộp học phí. Nhưng để cho con đi học mẫu giáo, trường cấp 3, đại học và các trường chuyên môn thì phải nộp học phí. Theo bộ giáo dục, kể từ khi con 4 tuổi bắt đầu đi mẫu giáo đến khi 18 tuổi tốt nghiệp cấp 3, tổng cộng các chi phí cho con đi học, bao gồm học phí nộp cho nhà trường, tiền mua văn phòng phẩm, tiền ăn trưa ở trường v,v… vào khoảng 38.000 đôla nếu học trường công, còn học trường tư thì chừng 69.000 đôla. Đây là chỉ tính chi phí cho 1 con.

Nói chung người ngoài nhìn vào Nhật Bản đều cho rằng cuộc sống ở Nhật Bản thật sung sướng vì lương bổng cao, phúc lợi tốt. Mà quả thực, với số tiền lương lĩnh trong nước, nếu tiêu ở nước ngoài là những nơi có vật giá rẻ hơn nhiều thì rõ ràng dễ mang lại ấn tượng người Nhật chi mạnh tay. Bản thân người Nhật, đến 91% cho rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, từ những số liệu kể trên, nếu lấy tổng thu nhập của mỗi hộ gia đình trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm, chi phí ăn uống, đi lại, giáo dục cho con cái, v.v… thì thấy cũng chẳng còn lại bao nhiêu.

Nhật Bản là một trong những nước mà người dân có thu nhập cao trên thế giới. Nhưng với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Nhật, có lẽ chỉ nên dùng từ “đủ” chứ không thể dùng từ “dư thừa” để nói đến cuộc sống của người Nhật. Có chăng chỉ là một bộ phận trong xã hội mà thôi.

Ở Nhật Bản, công việc tốt có nghĩa là tiền lương cao và đảm bảo một tương lai ổn định. Và để dễ dàng có một công việc tốt như mong muốn thì phải có tấm bằng đại học danh giá. Có lẽ vì vậy nên các gia đình chỉ có ít con để có khả năng đầu tư. Nhưng cạnh tranh gay gắt về giáo dục không chỉ là gánh nặng của các bậc phụ huynh mà còn là gánh nặng của bản thân những đứa trẻ. Đối với những em 10 tuổi, thời giờ dành cho học tập trung bình trong 1 ngày là khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Học sinh Nhật Bản học rất nhiều. Ở Nhật Bản, giờ học của các trường cấp 1, 2, 3 bắt đầu từ khoảng 8 giờ 30 phút. 1 tiết kéo dài 45-50 phút, học hết 4 tiết thì nghỉ trưa khoảng 1 tiếng rồi lại học thêm 2 tiết nữa. Học xong vẫn chưa về được mà phải tự dọn dẹp phòng học sạch sẽ, sau đó phải tham gia vào các hoạt động thể thao, văn hóa, gọi là “kurabu” tức “câu lạc bộ.” Từ lớp 4 trở lên, các học sinh tự chọn những môn mà mình quan tâm, và tham gia câu lạc bộ dành cho môn đó. Ở trường có nhiều câu lạc bộ như bóng chày, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, kiếm đạo, nhu đạo, trà đạo, họa, nhạc, v,v… Sau khi tan học, các học sinh về nhà ăn cơm. Cũng như Việt Nam, ở Nhật Bản, “kinh doanh giáo dục” được triển khai tích cực và có rất nhiều trường luyện thi “Juku”. Nhiều học sinh sau giờ học ở trường chính quy, về nhà ăn cơm xong lại đến trường “Juku” để học thêm. Theo điều tra năm 1996 của bộ giáo dục, thậm chí trong các học sinh cấp 1 cũng có gần 40% học sinh đi học trường luyện thi. Đối với học sinh cấp 2 thì tỷ lệ này tăng lên đến 70%.

Học quá nhiều như vậy nên trẻ em Nhật Bản ít có thời gian vui chơi. Theo điều tra năm ngoái, mỗi ngày, thời gian dành cho các hoạt động giải trí của học sinh trường cấp 2 trung bình chỉ là 54 phút. Kết quả điều tra năm 1996 cho thấy, trong thời gian rỗi, học sinh nam thích nhất là trò chơi điện tử. Phương tiện giải trí này được xếp thứ nhất đối với học sinh cấp 1-2 và thứ 2 trong học sinh cấp 3. Cách giải trí được học sinh nam ưa thích thứ 2 là nghe nhạc. Học sinh nữ thì thích nhất là nghe nhạc, thứ 2 là chơi trò chơi điện tử. Trong học sinh cấp 3, cả nam, nữ đều thích hát karaoke. Karaoke không được xếp trong 10 trò chơi giải trí ưa thích nhất của học sinh cấp 1-2 nhưng đối với học sinh cấp 3 thì được xếp thứ 3 với nam giới, thứ 2 với nữ giới.

Ở trường, các em sinh hoạt câu lạc bộ và trong đó có các môn thể thao nên khi nghỉ ngơi thì ít chơi thể thao. Học sinh cấp 2 chơi thể thao chỉ 51 phút và học sinh cấp 3 thì chỉ chơi 34 phút trong tuần. Theo điều tra này, đối với học sinh 10 tuổi, thứ tự các môn thể thao được ưa thích là bowling, bơi, bóng chày, bóng đá, bóng rổ. Những người lứa tuổi 20 thích chơi các môn bowling, trượt tuyết, bóng chày, câu cá, bơi. Những người 30 tuổi trở lên thì chơi golf nhiều nhất. Ở Nhật Bản, golf là môn thể thao chiếm vị trí hơi đặc biệt. Khi người ta chiêu đãi đối tác kinh doanh thì họ mời đối tác đó đi đánh golf.

Còn cuộc sống của người lớn như thế nào? Đa số người lớn đương nhiên phải đi làm để kiếm sống. Sự khác biệt lớn với tình hình lao động Việt Nam là tỷ lệ nhân viên làm việc trong các cơ sở nhà nước và các chính quyền địa phương. Ở Nhật Bản, số lượng viên chức cả các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương là 4.430.000 người, chiếm 7% trong tổng số người lao động là 64.142.000. 93% còn lại đi làm các công ty và cơ quan thuộc khu vực tư nhân. Xét về loại việc làm, 30% người lao động làm việc liên quan đến sản xuất mặt hàng công nghiệp, xây dựng như nhân viên nhà máy, kỹ sư, công nhân xây dựng v,v… Kế tiếp là những người làm việc tại văn phòng, chiếm 18,8%, người bán hàng chiếm 14,8%, những người làm việc nghiên cứu – phát triển chiếm 12%. Những người làm nông nghiệp, ngư nghiệp chỉ chiếm 5,9%.

Số người làm việc ở nhà máy, số kỹ sư và công nhân ngành xây dựng nhiều như vậy, chính là ví dụ rõ nhất về 1 nước công nghiệp tiên tiến. Trong 30 năm qua, giới này lúc nào cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số người lao động, luôn luôn hơn 30%. Trong khi đó, số người làm nghề nông, ngư nghiệp giảm đi một cách nhanh chóng. 30 năm trước họ chiếm gần 25% nhưng hiện nay chỉ chiếm 5,9%, mà đa số là người già. Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng. Ngược lại, những người làm nghề nghiên cứu-phát triển, nhân viên văn phòng, làm việc dịch vụ đã và đang tăng lên.

Một điểm khác biệt của công nhân viên Nhật Bản so với công tư chức ở Việt Nam là thời gian đi làm – vừa mất thời gian, vừa rất mệt mỏi. Thời gian đi làm và về nhà trong một ngày của tất cả người lao động bình quân là 49 phút. Nhưng ở các thành phố lớn như Tokyo thì thời giờ đi lại thực tế cao gấp đôi chỉ số trung bình nói trên. Điều này khiến người cha, người chồng đi làm ở ngoài khó có nhiều dịp tiếp xúc với gia đình. Vào những ngày trong tuần, trừ thời gian ngủ, thời gian người cha, người chồng tiếp xúc với gia đình chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Từ trước đến nay, người Nhật Bản nghĩ rằng để đưa kinh tế đất nước phát triển, người dân phải chịu khó, làm việc cần cù. Nay Nhật Bản đã đạt mục tiêu “trở thành một nước phát triển kinh tế” nên cách suy nghĩ của người dân cũng dần dần thay đổi. 56% người nghĩ rằng, về mặt vật chất họ có đủ thứ rồi nên từ nay trở đi sẽ coi trọng đến việc làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn. 54,6% người nghĩ rằng, dù không thỏa mãn được về kinh tế thì họ cũng dành ưu tiên hơn cho một cuộc sống dễ chịu, thoải mái.

Gần đây, người Nhật Bản đã bắt đầu nghĩ tới việc làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Nhưng khi người ta có quan tâm đến điều đó thì kinh tế Nhật Bản trên đường suy thoái. Hiện nay, các công ty đang mạnh mẽ tiến hành cải tổ. Số vụ phá sản của công ty cũng tăng lên. Sự ổn định của thị trường lao động dựa trên chế độ thâm niên và tuyển dụng suốt đời đang bị đe dọa. Có nhiều người đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trong khi đó, số người già tăng với tốc độ khá nhanh. Có thể nói, sau thế chiến 2, thời kỳ khó khăn thứ 2 của Nhật Bản đã bắt đầu.

Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một số nhà bình luận Nhật Bản và nước ngoài nói rằng cơ cấu giáo dục, lao động, tài chính, hành chính và chính trị phải xem xét lại. Hiện nay, bản thân nước Nhật cũng cố gắng tìm con đường đi trong tương lai và bắt đầu các cuộc cải cách, ví như cuộc cải cách mang tên “Big Bang”.

Người ta cho rằng, trong tình hình hiện nay, người dân phải phát huy bản chất dân tộc và truyền thống để đối phó với những thay đổi nhằm giữ gìn hành phúc và những thành công đã đạt được./.

Read Full Post »


Tôi đã đi xem kabuki của Nhật Bản hai lần – lần đầu tiên cách đây 10 năm, và lần thứ hai – vừa cách đây mấy tối. Sau mười năm mới trở lại Kabuki-za, rạp kabuki hàng đầu của Tokyo nằm tại khu Ginza chẳng thấy một chút nào thay đổi. Người xem vẫn đông (luôn thấy xếp hàng dài trước cửa), giá vé vẫn đắt (khoảng 100 USD) và các nghệ sĩ vẫn rực rỡ trên sân khấu trong tiếng hát độc đáo cùng tiếng đàn shamisen.

Cầm trên tay chiếc vé xem kabuki vào lúc 6 rưỡi chiều, chúng tôi ung dung bước vào rạp Kabuki-za với hơn 1.900 chỗ ngồi trong khi rất nhiều người rồng rắn chờ mua vé bên ngoài. Rạp mở cửa từ 11 giờ trưa và chương trình kéo dài đến tận 3h45 chiều, chỉ nghỉ 1 tiếng trước khi nối lại bằng suất diễn tối từ 4h40.

Khán giả trong rạp chủ yếu là người trung niên trở lên, và tất nhiên là nhiều người nước ngoài như chúng tôi. Người Nhật có tuổi đến đây vì say mê, còn “ngoại nhân” thì vì tò mò. Nhưng lần xem thứ hai của tôi không phải để “xem nó là cái gì” như lần đầu tiên. Tôi thực sự háo hức khi có dịp quay lại thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Tôi cũng hơi ngạc nhiên một chút khi ngay trước mặt có một ông vận complet chỉnh tề đang… ngủ, nhưng nhiều người khác đang say mê dùng ống nhòm theo dõi.

Diễn viên nổi tiếng Ichikawa EnnosukeKabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch No và kịch rối bunraku. Kabuki ra đời vào đầu thế kỷ 17 dưới hình thức biểu diễn tạp kỹ, sau đó trở thành một loại hình kịch nghệ được ưa chuộng nhất trong thời kỳ Edo (1603-1868). Bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật diễn xuất, múa và âm nhạc, kabuki là môn nghệ thuật hết sức độc đáo và hiện được công nhận là một trong những loại hình kịch nghệ truyền thống vĩ đại của thế giới.

Người ta cho rằng sư tổ của kabuki là bà Izumo-no-okuni, nhân vật theo sử sách đứng đầu một nhóm gồm hầu hết là phụ nữ, tổ chức diễn kịch mà chủ yếu là múa và các vở hài ngắn, ở Kyoto vào năm 1603. Bà sáng tạo ra kabuki dựa trên kịch No (một loại hình kịch cổ mang mặt nạ của Nhật Bản) và Hu-ryu (hoạt động trong lễ hội phát sinh từ sự bất mãn trước những cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, có đặc trưng mạnh mẽ, hoa mỹ, nhằm quên đi sự đau khổ). Và trong từ điển tiếng Nhật thời kỳ này, do cha cố Thiên chúa giáo người Bồ Đào Nha soạn, thấy có từ “kabuki-mono”, chỉ một nhóm người trong xã hội khi đó, có nghĩa là “người có những hành động ngoài phạm vi cho phép”. Họ luôn mặc áo đẹp và đi đầu về thời trang. Bà Okuni đã kết hợp đặc trưng của Hu-ryu với các điệu múa, vở kịch của mình, đồng thời lấy chủ đề là các kabuki-mono để tái hiện những phong cách mới mẻ của họ trên sân khấu.

Sự hấp dẫn mạnh mẽ của onna kabuki, tức “kabuki nữ” mà bà Okuni quảng bá rộng rãi, chủ yếu là nhờ các điệu múa tình tứ và những cảnh đầy gợi cảm trong các vở kịch. Vì thường xảy ra ẩu đả giữa khán giả để tranh giành các nghệ sĩ, những người đồng thời hành nghề gái điếm, năm 1629, chính quyền tướng quân Tokugawa (1603-1867) đã cấm phụ nữ xuất hiện trong các vở kịch kabuki. Kế đó, wakashu kabuki, tức “kabuki nam diễn viên trẻ”, thành công vang dội trước khi bị cấm vào năm 1652. Chính quyền tướng quân yêu cầu các buổi biểu diễn kabuki phải được cải cách về cơ bản thì mới được tiếp tục. Nói tóm lại, kabuki phải dựa trên kyogen, một loại kịch vui được biểu diễn xen giữa các vở kịch No. Các nghệ sĩ yaro kabuki, tức “kabuki nam giới” bắt đầu thay thế các diễn viên nam trẻ, bị buộc phải cạo phần tóc mái, giống như phong tục đối với đàn ông thời đó để chứng tỏ đã đến tuổi trưởng thành. Họ cũng phải đảm bảo với chính quyền rằng trong các vở kịch không phô bày thân thể, rằng họ là những nghệ sĩ nghiêm túc và không dính líu đến mại dâm.

Năm 1664, hai nhà hát ở Osaka và Edo (nay là Tokyo) lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật kéo màn, cho phép kéo dài vở kịch bằng cách liên tục thay phông cảnh phức tạp mà không hề gây gián đoạn. Vào thời gian đó, vì chính quyền cấm diễn viên nữ, tầm quan trọng của những nghệ sĩ nam đóng vai nữ, gọi là onnagata, dần dần tăng lên.

Trong những năm đầu hình thành, những yếu tố quan trọng của các loại hình sân khấu khác, chủ yếu là kyogen, No và kịch rối bunraku, được đưa vào kabuki. Bằng cách sử dụng đối thoại, nghệ thuật diễn xuất, cũng như tính hiện thực của kyogen, kabuki phát triển từ lối biểu diễn tạp kỹ mà chủ yếu là múa và nhạc thành một hình thức nghệ thuật mới. Sân khấu dùng cho kabuki vốn lấy mẫu từ sân khấu kịch No nhưng sau đó được sửa đổi bằng cách gắn thêm màn kéo, bỏ mái, và trở thành kiểu sân khấu hanamichi. Những lời thoại đơn giản mượn của kịch No, kyogen, kiểu kể chuyện jo-ruri, dần dần được thay thế bằng những tác phẩm viết riêng cho kabuki. Nội dung kịch kéo dài hơn, có nhiều vai diễn hơn và cách diễn xuất của các diễn viên cũng đa dạng và tinh tế hơn.

Vào đầu giai đoạn Genroku (1688-1704), kabuki đã trở thành một loại hình kịch nghệ nghiêm túc. Các vai diễn cũng như kịch bản trở nên phức tạp hơn và nghệ thuật diễn xuất được chú trọng. Trong thời kỳ này xuất hiện nhà viết kịch vĩ đại nhất của Nhật là ông Chikamatsu Monzaemon. Ông đã dành trọn cuộc đời mình để phát triển kabuki thành một loại hình nghệ thuật và người ta gọi ông là “Shakespeare của Nhật Bản”. Kabuki phát triển thành 3 thể loại: jidai-mono là những kịch lấy bối cảnh lịch sử với nhiều vai diễn, sewa-mono thường mô tả cuộc sống của tầng lớp thị dân, và shosagoto gồm những màn múa và diễn kịch không lời.

Nhà hát kabuki-za ở Tokyo

Sau thời kỳ hoàng kim tại khu vực Kyoto-Osaka vào cuối thế kỷ 17, sự hâm hộ dành cho kabuki giảm sút vì kịch rối bunraku thăng hoa. Maruhon-mono, hay những vở kabuki phỏng theo các vở kịch rối, được tung ra để lôi kéo những khán giả đang đổ sang các rạp bunraku. Kết cấu logic chặt chẽ và cách mô tả nhân vật một cách thực tế của bunraku có ảnh hưởng lớn đến kịch kabuki. Lối kể chuyện và sử dụng nhạc trong bunraku được áp dụng cho các vở kịch kabuki, và thậm chí những kỹ thuật sân khấu của bunraku, ví dụ như cách di chuyển độc đáo của các con rối, cũng được các nghệ sĩ kabuki bắt chước. Hiện nay, đến một nửa các vở kịch kabuki là mô phỏng các vở kịch rối bunraku.

Nhưng tiếp theo giai đoạn khuynh đảo và chiếm lĩnh các sàn diễn trong nửa đầu thế kỷ 18, bunraku sa sút nhanh chóng ở khu vực Kamigata (khu vực xung quanh Osaka) nên kabuki nắm ngay lấy cơ hội này để giành lại sự ủng hộ của tầng lớp thị dân. Một trong những tác gia lừng danh lúc đó là ông Namiki Shozo. Ông cũng chính là người sáng tạo ra sân khấu quay mawaributai.

Vào đầu thời kỳ Minh Trị xuất hiện một thể loại kabuki gọi là zangiri-mono, với những nhân vật binh sĩ mặc quân phục kiểu phương Tây và các nhân vật onnagata mặc váy đầm. Song các vở kịch này không thu hút được khán giả. Nhiều nghệ sĩ kêu gọi gìn giữ kabuki cổ điển truyền thống, tiếp tục trình diễn các vở nổi tiếng và xúc tiến đào tạo thế hệ trẻ. Tuy nhiên, họ cũng thể nghiệm các vở theo trào lưu shin kabuki (kabuki mới) của những nhà viết kịch hiện đại, những người đã tự do lồng vào kabuki nhiều yếu tố mà họ học được từ kịch phương Tây.

Sau thế chiến 2, kabuki vẫn được ưa chuộng. Các vở kịch vĩ đại của thời Edo cũng như nhiều vở kinh điển hiện đại được trình diễn tại nhà hát Kabukiza và nhà hát quốc gia ở Tokyo. Song, trừ Nhà hát quốc gia tiếp tục diễn trọn vở (thường dài khoảng 5 tiếng đồng hồ), các nhà hát kabuki cắt ngắn các vở kịch đi rất nhiều, nhất là ở Kabukiza (một rạp nổi tiếng tại khu Ginza ở Tokyo) thường chỉ là các hồi, các cảnh được ưa thích nhất, diễn cùng với một số vở kịch múa. Việc các nghệ sĩ kabuki tham gia diễn trong cả các thể loại kịch nghệ khác và việc phát kịch kabuki trên truyền hình cũng góp phần làm tăng mối quan tâm đến môn nghệ thuật truyền thống này.

Không thể phủ nhận rằng cuộc sống hiện đại ở Nhật Bản đã phần nào đẩy các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có kabuki, không còn được hâm mộ nồng nhiệt như trước kia. Nhưng tuy không nhiều, vẫn có những người say mê loại hình nghệ thuật này. Mỗi mùa diễn, họ đi xem tất cả các vở, ngồi trong rạp suốt 4-5 tiếng đồng hồ để ngây ngất với từng vai diễn, gặp gỡ nhau để bàn về các vở kịch, các nghệ sĩ tiếng tăm. Bản thân giới kabuki cũng cố gắng để tìm cách thu hút khán giả trẻ nhiều hơn. Một trong những cố gắng này là “Super kabuki”, do diễn viên Ichikawa Ennosuke sáng tạo ra, lấy đề tài là những chuyện dễ gần đối với giới trẻ, áp dụng cách diễn xuất của kịch hiện đại.

Bên cạnh đó, một yếu tố góp phần không nhỏ cho sự tồn tại của các rạp kabuki là khách du lịch. Để tiếp cận ngay với văn hóa truyền thống của Nhật Bản, nhiều du khách đăng ký những chuyến du lịch trọn gói có phần xem kịch kabuki. Không thể hiểu toàn bộ những gì diễn ra trên sân khấu, nhưng đối với họ chẳng hề gì, bởi phông cảnh, trang phục của diễn viên và âm nhạc đã nói lên tất cả.

Vở kabuki thứ hai của buổi tối đã dứt, ông mặc complet trước mặt tôi vẫn chưa tỉnh giấc nồng. Có thể ông mệt mỏi vì một ngày làm việc vất vả, có thể sở thích của ông khác với bà vợ kề bên. Nhưng bà vợ ông cùng nhiều người khác thì thật sự say sưa, họ thậm chí mua cơm hộp mang vào rạp ăn ngay tại chỗ để chờ xem tiếp.

Với những nét đặc biệt của mình, chắc chắn kabuki sẽ tiếp tục trường tồn cùng với thời gian./.

Read Full Post »

Nhà khách Quốc gia Kyoto


Nhà khách Quốc gia Kyoto được hoàn tất vào tháng 3/2005 và một tháng sau bắt đầu đi vào hoạt động. Trong thời gian 2 năm rưỡi qua, mới có 22 vị khách nghỉ tại nơi này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ là vị khách thứ 23 khi ông ở thăm Kyoto trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 25 đến 29/11 với tư cách là “quốc khách.” Chúng tôi đã tới thăm khu nhà độc đáo nằm ở cố đô lịch sử, đúng vào mùa lá đỏ.
 
Nằm ngay trong Vườn Thượng uyển – nơi có hai nhà nghỉ của Hoàng gia Nhật, khu vực Nhà khách Quốc gia Kyoto chiếm một diện tích 20.000m2 tại Kamigyo và được xây dựng dựa trên văn hóa truyền thống Nhật Bản, khác hẳn với Nhà khách Quốc gia Tokyo theo kiểu phương Tây ở Akasaka. Khi đón các vị khách quan trọng, nơi đây cũng không trải thảm đỏ mà theo truyền thống trang trọng nhưng giản dị của xứ Phù Tang.
 
Kế hoạch xây nhà khách quốc gia được Nội các quyết định từ năm 1994, nghe nói là nhằm vào dịp kỷ niệm 1.200 năm Kyoto trở thành cố đô. Song đã mất đến 3 năm cho việc thiết kế, 9 năm làm móng và 3 năm xây dựng. Và những gì hiện hữu thực sự là một kiến trúc tuyệt vời. Tháng 3 năm nay, công ty thiết kế khu nhà được nhận giải thưởng lớn hằng năm lần thứ hai của Viện Kiến trúc Nhật Bản. Nhìn bề ngoài, không ai có thể nghĩ rằng nó là một kiến trúc bê tông cốt thép bền vững với hai tầng trên mặt đất và một tầng ngầm đủ chứa đến 50 chiếc ôtô. Trông nó hoàn toàn là một ngôi nhà Nhật Bản với khu vườn Nhật cực rộng.

Nhà khách Quốc gia Kyoto

Để xây dựng ngôi nhà, rất nhiều nghệ nhân trong đó có các thợ mộc Sukiya, thợ trát tường, thợ làm vườn, sử dụng những kỹ thuật truyền thống độc đáo của Kyoto, được huy động. Nhằm làm cho địa điểm mang tính lịch sử này hòa hợp với môi trường thiên nhiên xung quanh, ngôi nhà được xây dựng theo phong cách Nhật Bản truyền thống hết sức tinh tế với kiểu mái nhà đặc biệt gọi là Irimoya. Khu nhà có thiết kế kiến trúc Sukiya với các góc thụt vào để trang trí. Một điểm đặc biệt nữa là kiểu hàng rào Tsuijibei dùng hỗn hợp bùn và đất sét làm tường với khung bằng gỗ. Ngay tại cổng, đương nhiên chúng tôi phải qua khâu kiểm tra an ninh kỹ lưỡng.
 
Ông Tatsuya Kamakura, người quản lý hoạt động của nhà khách, ra đón chúng tôi cùng một viên chức khác. Sau phần giới thiệu ngắn tại phòng làm việc của ông, chúng tôi được yêu cầu cởi bỏ giày để đi dép và đeo găng tay. “Các vị khách thì đương nhiên đi giày, nhưng với những người vào thăm thì chúng tôi có yêu cầu riêng thế này vì nơi đây có nhiều đồ quý giá, chạm tay vào có thể để lại dấu vết,” ông Kamakura giải thích.
 
Mở cánh cửa gỗ lớn rất dày – nguyên một tấm gỗ lim 700 tuổi – và bước vào nhà khách, chúng tôi được đón ngay bằng một mùi hương dễ chịu tỏa ra theo mỗi bước chân trên sàn làm toàn bộ bằng gỗ lim. Trong hai năm qua, năm nào nhà khách cũng mở cửa cho công chúng vào tham quan trong 10 ngày, mỗi ngày chỉ chọn 1.000 người từ số lượng cả chục ngàn người đăng ký. Hơn 20.000 vị khách đã bước trên sàn gỗ này, nhưng vì được bảo dưỡng hằng ngày nên nó vẫn như vừa mới lát. Một trong những điểm đặc biệt là các phần gỗ trong ngôi nhà gần như hoàn toàn được ghép bằng mộng chứ không dùng đinh, còn tường nhà không dùng sơn mà là vỏ sò nghiền vụn trộn với vôi. Thỉnh thoảng chúng tôi mới được “giới thiệu” một chỗ đóng bằng đinh, thường là một căn phòng lớn chỉ có 1 điểm, thì được che bằng một miếng trang trí nhỏ hình nơ hoặc các đường đan chéo mà chỉ mang một nghĩa chung là thặt chặt mối thâm tình.

Nhà khách Quốc gia Kyoto

Fuji-no-Ma là căn phòng họp lớn nhất, rộng khoảng 300m2, đủ chỗ cho 60 quan khách ngồi nếu xếp bàn họp theo kiểu hình lược còn nếu xếp bàn tròn thì có thể chứa đến 120 người. Trần nhà được thiết kế rất đặc biệt bằng gỗ và giấy Nhật Bản, nền nhà trải thảm có hình bông hoa fuji màu tím. Trên tường là một bức tranh lụa Nishijin nổi tiếng của Kyoto vẽ 39 loại hoa. Những người thợ đã phải mất gần hai năm mới dệt xong bức tranh dài 16m và cao 3m này, sử dụng 1.000 loại chỉ màu khác nhau. Một điểm độc đáo khác là họa tiết trang trí trên cánh cửa che sân khấu – tác phẩm của nghệ nhân Eri Sayoko hoàn toàn dán bằng những sợi vàng và platin. Đây chính là nơi diễn ra lễ chiêu đãi Chủ tịch nước và phái đoàn. 
 
Nhỏ hơn phòng Fuji-no-Ma là Yubae-no-Ma với sức chứa khoảng 70 người. Hai bức tường di động ở hai đầu được trang trí bằng hai bức tranh lụa Nishijin về phong cảnh của Kyoto.
 
Một phòng khách cao cấp có tên gọi Kiri-no-Ma, không trải thảm mà dùng chiếu tatami, là nơi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng dùng cơm trưa. Điểm khác biệt của phòng này là nếu ngồi ở tư thế quỳ gối thì vườn Nhật Bản ở bên ngoài chính ngang tầm mắt. Ở đây có chiếc bàn dài 12m cũng là nguyên một tấm gỗ, đủ chỗ cho 22 người ngồi hai bên. Mỗi chiếc ghế sơn mài có họa tiết chùm lá nhỏ sau lưng, nhìn thoáng qua tưởng giống nhau nhưng kỳ thực mỗi hình mỗi kiểu. Trong phòng cũng có một tác phẩm của bà Eri về bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ngay sát Kiri-no-Ma là một phòng nhỏ hơn, dùng cho nhóm ít người, gọi là Taki-no-Ma (Thác nước) vì ngay trước mặt có một thác nước nhỏ. Nếu mở cửa sẽ nghe tiếng nước róc rách rất yên bình.
 
Suimei-no-Ma, căn phòng sát với mặt nước và cũng gần với khu phòng nghỉ của các vị khách, là một điểm nhấn quan trọng nữa. Trần nhà cũng là một thiết kế của gỗ và giấy nhưng theo phong cách khác với phòng Fuji-no-Ma. Những đốm trên trần tạo nên ánh sáng của phòng này thực ra không phải là bóng đèn mà chỉ là phản chiếu quang học. Các cánh cửa kéo kiểu Nhật được bọc lụa thêu bốn loại hoa đặc trưng cho bốn mùa – hoa mơ, hoa anh đào, lá phong và hoa trà.
 
Ngoài ra còn phải kể đến một phòng nhỏ dành để thưởng trà. Nó được đặt tên là Biwa-no-Ma vì bên trong có đặt chiếc đàn biwa truyền thống. Đèn nơi đây luôn được để mờ, với ý tưởng rằng ánh đèn đó chỉ cần đủ để phản chiếu vào những đường chỉ khảm đồi mồi trên những chiếc bàn nhỏ và tạo ra ánh sáng kỳ ảo hơn.
 
Kể từ khi mở cửa, Nhà khách Quốc gia Kyoto từng tổ chức nhiều sự kiện lớn như cuộc họp Ngoại trưởng Á-Âu (ASEM), cuộc họp thượng đỉnh Nhật-Mỹ. 
 
Chuyến thăm đặc biệt kéo dài 1 tiếng rưỡi kết thúc khi trời Kyoto bắt đầu tối tuy mới khoảng 6 giờ. Chúng tôi bảo nhau: “Thật may là được vào thăm khu nhà đẹp thế này mà không phải bắt thăm cùng với mấy ngàn người.”

(Kyoto, 11/2007)

Read Full Post »

Older Posts »